1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Thăng: “Đội cứu nạn ăn Tết cũng phải ứng trực 24/24h”

(Dân trí) - “Tết cũng phải ứng trực tìm kiếm cứu nạn, lãnh đạo Việt Nam MRCC phải mở điện thoại 24/24h để kịp thời tiếp nhận thông tin báo nạn và hỗ trợ nhanh nhất các sự cố và tai nạn trên biển, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng giao nhiệm vụ như vậy khi đến làm việc và chúc Tết tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam (Việt Nam MRCC) cuối tuần vừa qua.

Tại buổi làm việc, báo cáo về công tác tìm kiếm cứu nạn (TKCN) trong thời gian qua, ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc Việt Nam MRCC - cho biết, trong năm 2013 Trung tâm đã tiếp nhận thông tin báo cứu nạn là 369 vụ (có 238 vụ báo nạn thật và 131 vụ báo nạn giả). Hiện Việt Nam MRCC được trang bị 7 tàu TKCN chuyên dụng phân bổ tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu. Trong đó có 3 tàu với chiều dài lớn nhất là 41m, tầm hoạt động bán kính 250 hải lý; 4 tàu với chiều dài lớn nhất là 27m) và 5 ca nô cao tốc phục vụ TKCN.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Việt Nam MRCC dù Tết cũng phải ứng trực 24/24 

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Việt Nam MRCC dù Tết cũng phải ứng trực 24/24 

Cũng theo ông Vũ, Trung tâm đang duy trì chế độ trực ban tìm kiếm cứu nạn 24/24h. Các phòng điều hành đã trang bị các máy móc, trang thiết bị thông tin liên lạc cần thiết để có thể thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý thông tin báo nạn, liên lạc với các phương tiện tham gia cứu nạn và phương tiện bị nạn để phối hợp xử lý vụ việc cứu nạn.

Trang thiết bị TKCN có tính năng kỹ thuật của các trang thiết bị thông tin liên lạc bộ phận trực thông tin được xem như là một đài bờ thực hiện chức năng phối hợp thông tin tìm kiếm cứu nạn, có thể tham gia hoạt động thông tin liên lạc trong vùng A1, A2, A3 theo yêu cầu của hệ thống thông tin Cứu nạn và An toàn Hàng hải toàn cầu (GMDSS).

Tuy nhiên, lực lượng và phương tiện cứu nạn trên biển hiện nay mỏng, yếu và thiếu. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua Trung tâm đã điều động các tàu thực hiện chốt chặn tại các vị trí cách cơ sở hậu cần từ 150 hải lý trở lên trong khoảng từ 3 - 4 tháng/năm, tuy nhiên việc chốt chặn chỉ có thể thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn do hạn chế về phương tiện, hậu cần, kinh phí.

Về hợp tác quốc tế và TKCN trên biển, Việt Nam MRCC đã và đang hợp tác, trao đổi thông tin báo nạn và xử lý thông tin TKCN với nước ngoài, thiết lập mối quan hệ hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức TKCN trên thế giới. Trung tâm đã tổ chức công bố tới tất cả các Trung tâm cứu nạn trong khu vực và trên thế giới về địa chỉ đầu mối liên lạc phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển của Việt Nam; xây dựng hệ thống các biểu mẫu sử dụng trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn với các nước trong khu vực.

Tàu SAR của Việt Nam MRCC đi cứu nạn trên biển

Tàu SAR của Việt Nam MRCC đi cứu nạn trên biển

Những khó khăn bất cập cũng được người đứng đầu Việt Nam MRCC nhắc đến, trong đó đáng chú ý là công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông trển biển còn nhiều bất cập: tính đến hết năm 2013, trên vùng biển Việt Nam có khoảng 130.000 tàu cá, 10.000 tàu vận tải hoạt động, chưa kể đến các phương tiện nước ngoài, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu dầu khí...với hàng triệu người tham gia giao thông trên biển. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phố biến pháp luật về an toàn giao thông trên biển chưa được triển khai mạnh mẽ. Việc kiểm tra, giám sát an toàn tàu thuyền, thuyền viên, các khu neo đậu, tránh trú, các vùng hoạt động trên biển còn hạn chế.

Cùng với đó, nhiều vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động tìm kiếm cứu nạn, trong khi Trung tâm không có chức năng và chế tài để xử lý như: Tình trạng thông tin báo nạn giả, việc điều động phương tiện, nhân lực ngoài Trung tâm tham gia tìm kiếm cứu nạn theo phương châm 4 tại chỗ, việc cưỡng chế người bị nạn rời tàu trong trường hợp khẩn cấp...

Sau khi nghe báo cáo của Việt Nam MRCC, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhưng việc tiếp nhận thông tin chưa kịp thời, trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu và cơ quan quản lý Nhà nước.

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, phải luôn nâng cao tinh thần thực thi công vụ và có người chịu trách nhiệm cụ thể trong từng vụ việc, duy trì thường xuyên liên tục 365/365 ngày và trở thành một thói quen.

“Lực lượng TKCN phải giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có sức khỏe tốt, có tinh thần xả thân vì mọi người chứ không phải là làm theo phong trào.” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng lưu ý Việt Nam MRCC: “Đón Tết cũng phải thường trực, ứng trực TKCN 24/24h, lãnh đạo Việt Nam MRCC phải mở điện thoại 24/24 để tiếp nhận kịp thời những thông tin báo nạn và nhanh chóng TKCN, mang lại bình yên cho nhân dân”.
Với nhiệm vụ và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của công tác TKCN là cứu người nên trong buổi làm việc, Tư lệnh ngành giao thông đã đồng ý về mặt chủ trương trong việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị TKCN hiện đại. Theo Bộ trưởng, Việt Nam là quốc gia biển nên phải giàu mạnh từ biển, việc mua sắm trang thiết bị TKCN hiện đại cũng là khẳng định vị thế của Việt Nam với thế giới, vị thế của một quốc gia biển, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong TKCN.

Châu Như Quỳnh