1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng sẽ lĩnh trách nhiệm về sách giáo khoa

(Dân trí) - Qui định gắn trách nhiệm của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo với nhiều khâu của qui trình liên quan đến SGK đã nhận được nhiều đồng thuận, trong khi qui định Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định thành lập trường Đại học lại tạo nên rất nhiều tranh luận…

Bên cạnh 2 nội dung trên, việc miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm và phân cấp quản lí giáo dục cũng là những vấn đề của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi được quan tâm trong phiên thảo luận của Thường vụ Quốc hội ngày 3/10.
 
Theo dự thảo Luật sửa đổi, Bộ trưởng có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trường đại học, thay vì thuộc thẩm quyền của Thủ tướng như hiện hành.
 
Nhiều ý kiến không đồng ý với điều này, bởi lẽ thành lập trường đại học liên quan đến chiến lược, quy hoạch và chính sách  phát triển giáo dục, đào tạo quốc gia do đó phải do Thủ tướng Chính phủ thực hiện.
 
Thêm nữa, sự phát triển ồ ạt của các trường đại học, trong đó có không ít trường không hội đủ các điều kiện đang khiến dư luận rất lo ngại.
 
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng, Kiêm Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đề xuất, những trường đại học có yêu cầu đặc biệt sẽ do Thủ tướng quyết định, còn các trường bình thường do Bộ trưởng quyết định theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt.
 
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, Đào Trọng Thi đồng tình với quan điểm này, bởi theo ông Thủ tướng chỉ nên quyết định những trường có vị trí đặc biệt trong nền giáo dục hoặc có ý nghĩa chính trị đặc biệt.
 
Bộ trưởng sẽ lĩnh trách nhiệm về sách giáo khoa - 1
Qui trình liên quan đến SGK sẽ gắn với trách nhiệm của Bộ trưởng (Ảnh: HHT)
 
Một nội dung được quan tâm khác của dự thảo Luật sửa đổi là bổ sung qui định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong việc qui định tiêu chuẩn về sách giáo khoa (SGK), việc biên soạn, thẩm định, duyệt và quyết định chọn sách để sử dụng làm SGK.
 
Về vấn đề này, Ủy ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng việc bổ sung quy định trên vào Luật là cần thiết nhưng đề nghị cần qui định nội dung này vào Luật tiêu chuẩn về chương trình giáo dục và SGK. Cùng đó, giao cho Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định cụ thể, chặt chẽ về qui trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn SGK…
 
Dự luật đề xuất thay chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng chính sách cho hưởng tín dụng ưu đãi và khi ra trường nếu làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục… sẽ không phải hoàn trả khoản tín dụng đã sử dụng để chi trả học phí.
 
Đa số ý kiến trong Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với nội dung sửa đổi. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội, Trương Thị Mai lại băn khoăn về chủ chương này.
 
Bà Mai đề nghị Ban soạn thảo dự luật phải cung cấp được các số liệu chứng minh xem có bao nhiêu sinh viên sư phạm ra trường không đi dạy học. Theo bà Mai phải trên cơ sở số liệu thực tế mới nên thay đổi chính sách.
 
Trưởng ban Dân nguyện, Trần Thế Vượng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đều cho rằng không nên sửa chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm.
 
“Chốt” lại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật sửa đổi bổ sung  một số điều của Luật Giáo dục thông qua theo quy trình tại 1 kỳ họp vì vậy đòi hỏi có sự chuẩn bị kỹ hơn.
 
Kim Tân