1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng sẽ không còn "đọc bài" trước Quốc hội

“Kỳ họp này đổi mới, văn bản trả lời chất vấn sẽ gửi trước cho đại biểu nghiên cứu, bộ trưởng ra trước Quốc hội không phải đọc nữa''. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cho biết như vậy tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/3 về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI.

Chất vấn “phải nói đến cùng vấn đề”

 

Trong báo cáo chuẩn bị kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cũng nêu một số ý kiến đòi hỏi cải tiến chất vấn và trả lời chất vấn.

 

Đại biểu và bộ trưởng phải đầu tư thật sự để tăng trọng lượng của câu hỏi và trả lời, khi hỏi và trả lời cần nghiêm túc, khẩn trương hơn. Thời gian trên diễn đàn chỉ dành cho việc đối thoại, tranh luận trực tiếp, phần trả lời chất vấn đã được chuẩn bị thành văn bản gửi trước đến đại biểu Quốc hội, không đọc tại hội trường.

 

Đồng thời, cần quy định thời gian cho việc đặt câu hỏi cho đại biểu chuẩn bị trước, tránh diễn giải dài dòng, nên theo hướng đưa ra các câu hỏi nhỏ ngắn gọn. Các câu hỏi có phạm vi rộng, cần thông tin, số liệu chi tiết thì gửi trước để có thời gian cho bộ trưởng chuẩn bị.

 

“Chất vấn phải tăng cường hỏi đáp, nói đến cùng vấn đề”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Nguyễn Đức Kiên hưởng ứng.

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động chất vấn ''chưa đi đến cùng'' khi chưa có một nghị quyết của Quốc hội về trách nhiệm của người trả lời chất vấn và thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm.

 

Quốc hội yêu cầu báo cáo về tình hình đình công

 

Một nội dung Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhấn mạnh là yêu cầu Chính phủ có một báo cáo chuyên sâu về tình hình đình công, bãi công ra trước Quốc hội. “Đình công là vấn đề lớn, mình lặng im là không nên!”, ông tỏ thái độ.

 

Theo ông Bùi Ngọc Thanh, Thủ tướng đề nghị kỳ họp giữa năm không thảo luận về kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nhiều đại biểu không đồng tình và cho rằng, quý 4/2005 và đầu năm 2006, cử tri rất quan tâm đến giá cả, tiến trình gia nhập WTO, vấn đề chống tham nhũng, đặc biệt là việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng X.

 

Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ cho ý kiến và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội. Trong đó, nội dung chính là tách Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách thành Uỷ ban Kinh tế và Uỷ ban Tài chính Ngân sách; tách Uỷ ban Pháp luật thành Uỷ ban Pháp luật và Uỷ ban Tư pháp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Mão lưu ý việc lập ra Uỷ ban Tư pháp có chức năng quan trọng là giám sát phát hiện xử lý tham nhũng, cần phải có sự chuẩn bị về tổ chức, nhân sự, bộ máy để thực hiện công việc này.

 

Theo ông, đi kèm với sửa Luật tổ chức Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nên tính toán sửa luôn cả Luật bầu cử Quốc hội để chuẩn bị cho bầu Quốc hội khoá XII vào đầu năm 2007.

 

Gắn với quan tâm của cử tri, kỳ họp tới Quốc hội sẽ thực hiện chuyên đề giám sát về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và nghe báo cáo chuyên đề của Chính phủ về tình hình giáo dục, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giáo dục.

 

Ông Vũ Mão cũng đề nghị giới hạn nội dung về giáo dục để có thể bàn sâu hơn, chẳng hạn như tập trung thảo luận về xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam.

 

Về tuyên truyền cho kỳ họp, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu gợi ý Quốc hội cần có kênh phát thanh, truyền hình riêng để cho cử tri được thường xuyên theo dõi hoạt động của Quốc hội.

 

Bầu Tổng Kiểm toán Nghà nước

 

Sau các ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã ''chốt'' lại: Khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI vào ngày 16/5, diễn ra khoảng 35 ngày, cho đến 27/6.

 

Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 11 luật và 1 nghị quyết, đáng chú ý là Luật kinh doanh bất động sản, Luật công nghệ thông tin, Luật bảo hiểm xã hội. Đồng thời cho ý kiến về 12 luật, trong đó có Luật cư trú, Luật về hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động.

 

Liên quan đến xây dựng luật, Thủ tướng đã đề nghị hoãn trình Quốc hội kỳ họp thứ 9 dự án Luật đăng ký bất động sản.

 

Về công tác nhân sự, Quốc hội kỳ họp này sẽ bầu và phê chuẩn chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước, vốn đã tiến hành bầu ở kỳ họp trước nhưng không thành công.

 

Theo Văn Tiên

VietNamNet