1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Nông nghiệp đảm bảo luôn đủ lương thực trong thời dịch bệnh

(Dân trí) - Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định vẫn cung cấp đủ lương thực thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng Nông nghiệp đảm bảo luôn đủ lương thực trong thời dịch bệnh - 1

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường.

Bên lề Hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra chiều 12/3, tại Bộ NN&PTNT, phóng viên báo chí đã có cuộc trao đổi ngắn với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường về việc đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và thế giới.

Ông Cường cho biết, ngành nông nghiệp từ đầu năm 2020 đã phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là: Dịch bệnh Covid-19, thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu và dịch bệnh trong nông nghiệp.

Tuy nhiên, ông Cường khẳng định, Bộ NN&PTNT dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tập trung cùng các doanh nghiệp, các địa phương, các thành phần kinh tế kiên quyết khắc phục những khó khăn, những thách thức về điều kiện bất thuận của khí hậu, dịch bệnh, tổ chức lại thị trường để tổ chức sản xuất có quy mô và hiệu quả cao nhất, đặc biệt cho 2 nhóm: Lương thực và thực phẩm. Hai nhóm này rất quan trọng để ứng phó với dịch Covid-19, không chỉ phạm vi của Việt Nam, mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm

"Đất nước chúng ta gần 100 triệu dân, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn, trước mắt phải đảm bảo chắc chắn cung cấp đủ trong mọi hoàn cảnh" - ông Cường nói.

Theo ông Cường, ngoài việc thúc đẩy sản xuất, Bộ này còn tích cực cùng các bộ, ngành khác chuẩn bị thật tốt mọi điều kiện để khi dịch Covid-19 giảm xuống, tận dụng cơ hội xuất khẩu nông sản đi các nước nhằm phát triển thị trường bền vững, tránh phụ thuộc vào một thị trường nào đó.

Lý giải cho những "tự tin" trên của ngành nông nghiệp, ông Cường  đưa ra dẫn chứng cụ thể: Khu vực ĐBSCL đang chuẩn bị kết thúc vụ lúa Đông Xuân với 1,54 triệu ha, năng suất khoảng 6,9-7 tấn/ha; khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với 310.000 lúa, năng suất ước đạt 6,8-7 tấn/ha; còn tại Đông Nam Bộ với 77.000 ha lúa, phần lớn đã thu hoạch, năng suất khoảng 5,9 tấn/ha. 

Bên cạnh đó, từ Trung Bộ trở ra phía Bắc, với 1,2 triệu ha lúa đang ở giai đoạn làm đòng, hứa hẹn sẽ cho năng suất cao.

Bộ trưởng Nông nghiệp đảm bảo luôn đủ lương thực trong thời dịch bệnh - 2

Ngày 6/3, Hà Nội công bố ca dương tính Covid-19 đầu tiên, là ca thứ 17 của Việt khiến một bộ người dân hoang mang, đổ xô vào các siêu thị để mua đồ tích trữ.

Ông Cường đánh giá, với vụ lúa thứ nhất của năm 2020 đã thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch có thể đạt tới trên 20 triệu tấn lúa. Nhưng đối với vụ lúa tiếp theo, người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam cho biết sẽ có thách thức rất lớn, bởi khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, ĐBSCL đang phải đối mặt với thời tiết cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn.

"Khó khăn thách thức đã được chúng tôi dự báo trước và đưa ra các giải pháp ứng phó. Nếu tất cả chúng ta quyết tâm, có giải pháp phù hợp thì về mặt tổng thể chúng ta vẫn đạt được kết quả tốt" - ông Cường cho biết.

Mặc dù khó khăn, thách thức như vậy, nhưng ngành nông nghiệp quyết tâm năm 2020 sản xuất phải đạt từ 43-44 triệu tấn lương thực để đáp ứng nhu cầu cho gần 100 triệu dân trong nước và xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn. 

Theo ông Cường, hàng năm, kho dữ trữ gạo quốc gia vẫn luôn duy trì từ 200.000-300.000 tấn gạo, nếu nơi nào xảy ra thiên tai cần hỗ trợ, số gạo này sẽ được chuyển đến.

Ngoài ra, với kết quả chăn nuôi 2 tháng đầu năm, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 của các tập đoàn, doanh nghiệp chăn nuôi lớn và với điều kiện thuận lợi hơn, chăn nuôi sẽ phát triển ở hầu hết các sản phẩm chủ lực. Dự kiến tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 16,3% so với năm 2019.

Năm 2020, phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 8,5 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2019. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,9 triệu tấn, tăng 3,5%, sản lượng nuôi trồng đạt gần 4,7 triệu tấn, tăng 5,3% (cá tra đạt 1,6 triệu tấn, tăng 5,0%; tôm sú đạt 283,9 nghìn tấn, tăng 3,2%; tôm thẻ đạt 594 nghìn tấn, tăng 8,5%).

"Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng với quyết tâm của ngành nông nghiệp cùng các bộ, ngành địa phương trên cả nước sẽ đảm bảo cung ứng đủ lương thực thực phẩm cho người dân trong nước. Đồng thời, vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu theo mục tiêu của ngành" - ông Cường khẳng định.

Nguyễn Dương