Bộ trưởng Nội vụ nói về quy trình thi tuyển lãnh đạo
(Dân trí) - Giải đáp những băn khoăn về việc triển khai thực hiện Đề án tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, để chỉnh lại những “lôm côm” trong việc thi tuyển cán bộ ở một số Bộ, ngành vừa qua, Đề án đã thống nhất những tiêu chí, quy trình chuẩn cho việc này.
Đây là nội dung Bộ trưởng Nội vụ trao đổi trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời trên truyền hình quốc gia tối 27/9.
Đề án đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở và cấp phòng do Bộ Nội vụ xây dựng mới đây đã được Bộ Chính trị thông qua. Tuy nhiên Bộ Chính trị cũng lưu ý một vài điểm trong quá trình thực hiện đề án.
Nói về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình giải thích, nhằm khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác cán bộ, Hội nghị Trung ương 9, khóa X đã xác định tiếp tục thực hiện chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020. Trong đó, khẳng định phải đổi mới cách tuyển chọn cán bộ.
Người đứng đầu cơ quan tham mưu cho Chính phủ về công tác tổ chức bộ máy, nhân sự cho biết, trong thời gian qua một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện thí điểm việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo cấp vụ. Tuy nhiên, việc thí điểm chưa được thống nhất về các tiêu chí. Cách thức thi tuyển cũng còn khác nhau, phạm vi, đối tượng tham gia dự tuyển được mở rộng.
“Có cơ quan tổ chức, đơn vị không quy định đối tượng tham gia dự tuyển nằm trong diện quy hoạch, có những cơ quan, đơn vị lại mở rộng đối tượng tham gia dự tuyển đến các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp. Hay có đơn vị lại lấy việc thi tuyển để thay thế cho toàn bộ quy trình tuyển chọn cán bộ hiện nay. Về các môn thi viết thì cũng tương tự như các môn thi tuyển công chức, thi nâng ngạch công chức” – Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nêu dẫn chứng cụ thể.
Vì những cách thức còn thiếu “chuẩn” đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhấn mạnh, Bộ Nội vụ đã tiến hành xây dựng Đề án tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng với căn cứ là những chỉ đạo đã TƯ Đảng đã đề ra trong Nghị quyết 9 khoá X cũng như thực tế hoạt động thi tuyển của một số Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện.
Để thống nhất quy trình chuẩn trong thi tuyển, Đề án quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu được giao thẩm quyền đề xuất, giới thiệu nhân sự tham gia dự tuyển và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về nhân sự nếu được bổ nhiệm.
Về phạm vi các cuộc tuyển chọn, Bộ trưởng Bình cho biết, đối tượng được mở rộng, không bị giới hạn trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cả cán bộ, công chức, viên chức. Viên chức được quy hoạch các chức vụ, chức danh tương đương ở trong từng Bộ, từng ngành, từng địa phương nếu đảm bảo, tiêu chuẩn điều kiện thì cũng được tham gia dự tuyển. Trường hợp những người tham gia dự tuyển không nằm trong diện quy hoạch phải được cấp ủy đảng có thẩm quyền đồng ý.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng bổ sung vào quy trình điều kiện để sàng lọc, người tham gia dự tuyển phải thực hiện một bài thi viết. Môn điều kiện nếu đạt 50 điểm trở lên trên thang điểm 100 thì ứng cử viên này tiếp tục được trình bày và bảo vệ chương trình hành động trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Phiếu tín nhiệm cũng được thiết kế lại về nội dung, kết cấu để đảm bảo thực chất là phiếu giới thiệu. Phần thứ nhất là một số thông tin liên quan đến người tham gia dự tuyển, phần thứ hai là phần chính, nội dung đánh giá mức độ tín nhiệm của người tham gia dự tuyển, có 3 yếu tố cụ thể là đánh giá về phẩm chất, tư cách đạo đức của người tham gia dự tuyển; đánh giá về trình độ thể hiện sự am hiểu về ngành lĩnh vực dự tuyển; đánh giá về năng lực (nói được, viết được, làm được). Các yếu tố thể hiện trên phiếu tín nhiệm được thiết kế với 2 mức độ đánh giá là đạt hoặc không đạt.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, theo tinh thần cơ bản của Đề án được Bộ Chính trị thông qua, quy định này sẽ được áp dụng thí điểm tập trung vào khoảng 1/3 các Bộ, ban ngành Trung ương và 1/3 số tỉnh, thành trong cả nước. Thời gian thực hiện thí điểm từ quý 3/2015 đến quý 3/2018.
P.Thảo