1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "Chắc chắn không còn Tổng cục Đường bộ"

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - "Chắc chắn không còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bởi khi đối chiếu với các quy định thì đơn vị này không đảm bảo" - ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT nói.

Sáng 20/6, tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có những trao đổi về thông tin liên quan tới việc tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc. 

Người đứng đầu ngành GTVT cho biết: "Chắc chắn không còn Tổng cục Đường bộ Việt Nam, bởi khi đối chiếu với các quy định thì đơn vị này không đảm bảo". 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Chắc chắn không còn Tổng cục Đường bộ - 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (Ảnh: Quốc Chính).

Theo ông Thể, thời gian qua Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Bộ GTVT đã có những báo cáo để làm sao giữ lại mô hình tổng cục, tuy nhiên không khả thi.

"Khi xóa tổng cục, Chính phủ giao Bộ GTVT phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng đề án trình Chính phủ. Văn phòng Chính phủ sẽ lấy ý kiến các thành viên Chính phủ. Khi Thủ tướng ký ban hành thì chúng ta mới có kết quả cụ thể" - ông Thể cho hay. 

Cũng theo ông Thể, Bộ GTVT đang trong quá trình xây dựng, họp bàn để làm sáng tỏ các vấn đề rồi báo cáo lên Chính phủ. "Các bộ khác nói nên xóa tổng cục mà Bộ GTVT nói không xóa thì không được" - ông Thể nói thêm và cho biết trong quá trình xây dựng có nhiều ý nên Bộ GTVT xin tiếp thu, tới đây sẽ tổ chức hội thảo, lắng nghe thông tin nhiều chiều để tham mưu cho Chính phủ xem nên tách hay giữ nguyên Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Sáng cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ, cơ quan này đã giải đáp thắc mắc xung quanh dự thảo đề án tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tinh thần là phải sắp xếp lại hết, không thể linh hoạt được với tổng cục và tương đương. Việc sắp xếp này áp dụng đối với cả các vụ, cấp phòng. 

Theo Bộ Nội vụ, các Bộ ngành đã bám sát quan điểm, nguyên tắc chỉ đạo trong vấn đề sắp xếp theo hướng tinh gọn bộ máy, giảm cấp trung gian. Có 3 tiêu chí thành lập Tổng cục được quy định rất rõ trong Nghị định 101/2020 của Chính phủ, qua đối chiếu cho thấy Tổng cục Đường bộ Việt Nam có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ liên quan đến việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, không phân cấp cho địa phương.

Giả sử Tổng cục Đường bộ Việt Nam được tách thành 2 Cục thì sẽ phải phân công rõ đầu mối, đảm bảo chính sách được thực hiện thống nhất, hợp lý nhất, vừa tinh gọn vừa hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam - cho biết, Tổng cục đã trình Bộ Giao thông vận tải đề án thay đổi mô hình Tổng cục theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.

"Tổng cục Đường bộ đã hình thành, hoạt động được 12 năm, làm được nhiều việc và hiện đang quản lý rất tốt ngành đường bộ. Tuy nhiên, về mô hình Tổng cục Đường bộ có các cục, chi cục ở khu vực; mô hình này khác với Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế có các vệ tinh ở cấp huyện. Nếu tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc sẽ có bất cập" - ông Huyện nói. 

Ở góc độ pháp lý, ông Huyện cho biết, luật không thể tách thành luật đường bộ và luật đường cao tốc. Không có luật thì không có nghị định, tách thành 2 cục làm việc rất khó. 

"Bản thân tôi không đồng ý, nhưng tôi ký đề án theo sự thống nhất của 4 lãnh đạo và 6 ủy viên thường vụ. Bản thân tôi không nhất trí vì tôi sống với ngành đường bộ cả đời" - ông Huyện bày tỏ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm