1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: "Thủ tướng quyết liệt, Bộ trưởng không thể thờ ơ!"

(Dân trí) - “Thủ tướng hay bất thình lình hỏi “việc này đến đâu rồi”, nếu không quan tâm, không chú ý thì sẽ không nắm được công việc... Thủ tướng như vậy thì các Bộ trưởng không thể né tránh, chậm trễ hay ỷ lại, thờ ơ, thiếu trách nhiệm được”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói.

- Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” được Thủ tướng nhiều lần nhắc. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ông thấy tình trạng này được các Bộ ngành, địa phương khắc phục thế nào?

- “Trên nóng, dưới lạnh” có thể hiểu là cấp trên chỉ đạo nhưng cấp dưới không thực hiện hoặc thực hiện không quyết liệt, không hiệu quả. Vấn đề này, không chỉ Thủ tướng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều rất quan tâm.

Cho nên, Thủ tướng rất nhiều lần nhắc nhở không để tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thủ tướng cũng từng nói, nếu cán bộ thi hành công vụ không có ý thức trách nhiệm thì sẽ ảnh hưởng đến tốc độ, chất lượng công việc.

Đến nay, so với đầu nhiệm kỳ, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được khắc phục rất nhiều. Ngay cả vấn đề sắp xếp, bố trí, bồi dưỡng cán bộ đã được các địa phương quan tâm, thực hiện rất tốt.

Tất nhiên, ở chỗ này, chỗ khác, đơn vị này, đơn vị khác vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nhưng tinh thần sẽ dần dần triệt tiêu những chuyện như vậy.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Thủ tướng quyết liệt, Bộ trưởng không thể thờ ơ! - 1

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

- Vậy khi có những vấn đề đặt ra hay những vụ việc nóng, ông thường trao đổi với Thủ tướng bằng những phương thức nào để có thể giải quyết nhanh nhất?

- Là người giúp việc trực tiếp cho Thủ tướng, tôi thấy cường độ làm việc của Thủ tướng rất cao. Nhiều việc Thủ tướng liên tục hỏi tiến độ giải quyết và có chỉ đạo kể cả khi đi công tác nước ngoài.

Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng luôn muốn làm được thật nhiều việc. Quan trọng hơn, Thủ tướng là người truyền được cảm hứng và khát vọng.

Trong quá trình làm việc, tôi thường xuyên báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng với nhiều hình thức rất linh hoạt như báo cáo nhanh trong giờ hoặc ngoài giờ làm việc hoặc gọi điện trực tiếp, trao đổi qua thư ký, trợ lý… Cho nên, tất cả các thông tin được phản ánh kịp thời, nhanh nhất, chính xác nhất để Thủ tướng kịp thời chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng cũng hay bất thình lình hỏi “việc này đến đâu rồi”, nếu không quan tâm, không chú ý thì sẽ không nắm được công việc. Cũng phải nói rằng, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chắc chắn không thể hoàn hảo được nhưng chúng tôi cố gắng bảo đảm tốt nhất.

- Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ đã tạo ra động lực cũng như áp lực như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Khi người đứng đầu Chính phủ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc thì các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các Tư lệnh ngành không thể đứng ngoài cuộc được.

Khi đã quan tâm lĩnh vực nào, Thủ tướng đều gợi mở hướng đi, cách làm để tạo hiệu quả cao nhất. Nếu như ở đâu đó, Bộ ngành nào đó có khuyết điểm là Thủ tướng nhắc ngay. Thủ tướng như vậy thì các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng không thể né tránh, chậm trễ hay ỷ lại, thờ ơ, thiếu trách nhiệm được.

- Nhìn lại bốn năm qua, đâu là dấu ấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng? Trong thang điểm 10 thì Bộ trưởng tự chấm bao nhiêu điểm?

- Nói là dấu ấn thì rất khó. Khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP và là người phát ngôn của Chính phủ, tôi rất lo, cũng cảm thấy sức ép lớn. Từ sức ép đó, tôi cho rằng trước hết mình phải mẫu mực, gương mẫu. Thứ nữa là phải chân thành, cởi mở, công tâm và khách quan.

Đến nay, với trách nhiệm là cơ quan giúp việc cho Chính phủ, mà trực tiếp là cho Thủ tướng, với trách nhiệm là Bộ trưởng, Chủ nhiệm, người đứng đầu về công tác Đảng cũng như cơ quan chuyên môn của VPCP, chúng tôi cho rằng đã tích cực giúp cho Thủ tướng trong vấn đề cải cách.

Còn về thang điểm thì chúng tôi không đánh giá được nhưng mừng là mình làm đến đâu cũng đều nhận được sự ủng hộ cao từ công luận, người dân, doanh nghiệp... Họ thấy những việc được Thủ tướng giao, Tổ công tác có làm được hay không và đã làm như thế nào. Ngoài ra, hoạt động của Tổ công tác cũng tạo được sức lan tỏa tốt.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong