Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu lý do 1kg xoài có giá bằng ly trà đá
(Dân trí) - Theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, không nên nói 1kg xoài giá bán bằng ly trà đá, mà nên tư duy vì không liên kết nên 1kg xoài có giá bán bằng 1 ly trà đá.
Phát biểu tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt", chiều 27/4, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cho rằng, 3 vấn đề lớn của ngành nông - thủy sản Việt Nam là liên kết, hợp tác và thị trường, sau đó mới nghĩ đến việc tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm.
"Tư duy nông dân thì mùa vụ, doanh nghiệp thì thương vụ, chính quyền thì tư duy nhiệm kỳ. Ông nông dân thì mùa vụ này ép được doanh nghiệp là ép, vì nhỡ đâu mùa sau bị ép lại. Ông doanh nghiệp cũng thế, cứ ép qua ép lại không thể tạo được lòng tin để đi đường dài với nhau.
Không nên nói 1kg xoài giá bán bằng 1 ly trà đá, mà nên tư duy vì không liên kết nên 1kg xoài có giá bán bằng 1 ly trà đá. Thực tế nếu nông dân có cam kết, liên kết thì doanh nghiệp vẫn bao tiêu hàng chục nghìn đồng 1kg", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo ông Hoan, doanh nghiệp là bên có điều kiện, lợi thế hơn, cần bỏ tư duy mua đứt bán đoạn, phải tạo niềm tin cho nông dân, dẫn dắt hệ sinh thái. Các địa phương cũng cần tổ chức lại sản xuất, phải đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng đồng đều thì doanh nghiệp mới tự tin đầu tư cơ sở chế biến.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, thủy sản thời gian qua, là do nông dân có thói quen sản xuất tự phát, không dựa vào nhu cầu thị trường, đa phần chạy theo cái lợi trước mắt, chưa nghĩ đến lâu dài.
Nông sản trồng xong mới tìm đầu ra cho sản phẩm, vì thế câu chuyện "mất mùa được giá, được mùa mất giá" khó giải quyết dứt điểm.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, dịch vụ logistics khu vực ĐBSCL chưa phát triển làm giảm sức cạnh tranh của nông sản, thủy sản của vùng.
Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng đang có việc mất cân đối cung cầu, mối liên kết nông dân với doanh nghiệp rất lỏng lẻo, cần phải có chiến lược giữa nông dân với thị trường tiêu thụ.
Bà Ngọc cho biết, Sóc Trăng có 189 sản phẩm OCOP ("One Commune One Product", được hiểu là "Mỗi xã một sản phẩm") nhưng chỉ có một sản phẩm tiêu chuẩn "5 sao". Người có sản phẩm OCOP nhưng khó phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương, do hạ tầng chưa đáp ứng, sản xuất nhỏ lẻ manh mún, thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp khó.
Theo GS Võ Tòng Xuân, câu chuyện được mùa rớt giá của nông sản, thậm chí câu chuyện giải cứu nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay. Vấn đề lớn của nông, thủy sản Việt Nam là 70% nông dân vẫn thích làm ăn riêng lẻ, đất đai manh mún và làm theo ý mình. Nông dân gắn kết với doanh nghiệp rất lỏng lẻo, 2 liên kết này hiện nay còn nhiều việc phải cải thiện. Nông dân lẫn doanh nghiệp đều thường bẻ kèo.
"Hàng nông sản của chúng ta không đồng đều về chất lượng nên sản phẩm không nổi tiếng. Một số doanh nghiệp có thương hiệu nhưng chưa có văn hóa để giữ vững uy tín thương hiệu đó... Chính những điều này làm cho nông sản của chúng ta khó được đánh giá cao" - GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Theo giáo sư, các địa phương không nên phát triển dàn trải sản phẩm OCOP mà phải phát triển sản phẩm đặc trưng, đại diện. Các chủ thể sản xuất nông nghiệp cần liên kết với nhau để tạo thành tập thể vững mạnh và có thương hiệu.
Hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt", tại Cần Thơ diễn ra ngày 27/4 do Bộ NN&PTNT, Báo Người Lao Động và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức.
Theo ban tổ chức, hội thảo nhằm nhận diện thực trạng ngành sản xuất - chế biến nông - thủy sản; bàn giải pháp phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ, bền vững với những sản phẩm có tính cạnh tranh cao ở cả thị trường xuất khẩu lẫn trên "sân nhà", qua đó mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp.