Bộ trưởng GĐ&ĐT giải trình về vấn đề in, phát hành sách giáo khoa
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn mong đại biểu Quốc hội chỉ rõ lợi ích nhóm liên quan đến việc in, phát hành sách giáo khoa để phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm.
Chiều 4/11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.
Bộ trưởng mong đại biểu chỉ rõ lợi ích nhóm để xử lý nghiêm
Liên quan đến ý kiến đại biểu bày tỏ băn khoăn về vấn đề in và phát hành sách giáo khoa có lợi ích nhóm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong vài năm qua, ngành giáo dục đã chấn chỉnh rất nhiều về vấn đề này.
Ông Sơn thừa nhận có một vài người liên quan đến việc tổ chức đấu thầu giấy, in, phát hành sách giáo khoa phạm pháp. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, "những người này đều đã bị bắt mang đi rồi".
"Chúng tôi mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an và Viện Kiểm sát lại bắt mang đi tiếp", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Ông Sơn cho biết, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận rất sâu sắc, thực tế với những luận giải sắc bén liên quan đến vấn đề về sức khỏe của học sinh; việc phân luồng; nghiên cứu khoa học trong trường đại học; trẻ em tự kỷ; tài liệu giáo dục địa phương; phát triển tiếng Anh; quy hoạch giáo dục…
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên sau sáp nhập, ông Sơn thừa nhận đây là vấn đề khó, vướng mắc đang có thực.
Theo ông Sơn, hiện cả nước có 92 trung tâm thuộc quản lý của Sở GD&ĐT, 526 trung tâm do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc UBND quận, huyện, thị xã quản lý.
Ông Sơn cho rằng, đây là về vấn đề chủ thể quản lý, điều hành hiện nay đang rất đa dạng. Trong các văn bản quy định hiện nay, có Thông tư 39 quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và Luật Giáo dục ra đời lại quy định về chức năng, nhiệm vụ quản lý.
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 01 để làm căn cứ pháp lý để quản lý hệ thống các trung tâm này. Nhưng tuy nhiên vẫn còn một số điểm vướng...
Sách giáo khoa thay đổi liên tục gây lãng phí
Trước đó, cử tri tỉnh Hưng Yên cho biết, mỗi năm các nhà xuất bản in ấn hàng trăm bộ sách giáo khoa cho các cấp học. Các bộ sách giáo khoa liên tục được thay thế, bổ sung để theo kịp chương trình mới và có những cuốn thuộc dạng không cần thiết.
Cử tri cho rằng, việc này gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, chưa kể đến tình trạng in ấn, buôn bán sách giả tràn lan, giá cao.
Từ đó, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT có chỉ đạo kịp thời để tránh việc in ấn, buôn bán sách giả, hạn chế cho xuất bản các cuốn sách không thực sự cần thiết.
Bộ GD&ĐT cho biết, từ năm 2000, chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo Nghị quyết 40/2000/QH10 và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Theo đó, sách giáo khoa được biên soạn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa yêu cầu của chương trình.
Thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, ông Sơn cho hay, mỗi môn học có một số sách giáo khoa và việc biên soạn sách giáo khoa thực hiện xã hội hóa, việc xuất bản sách giáo khoa được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Theo Bộ GD&ĐT, tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, việc ban hành chương trình giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới thực hiện theo lộ trình năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng cho biết, đến năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.
Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng có hiệu quả sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục.
Theo ông Sơn, hàng năm, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với sách giáo khoa.
Bộ GD&ĐT đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ sở giáo dục để triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh; uy tín, chất lượng xuất bản của nhà xuất bản cũng như ổn định thị trường cung ứng sách giáo khoa.