Bỏ trần lãi suất huy động
Tại cuộc họp với Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chiều 15/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định bỏ trần lãi suất huy động để trả lãi suất về thị trường. Tính toán sơ bộ cho thấy, lãi suất huy động sẽ ở mức 13 - 14%/năm.
TS Cao Sỹ Kiêm, thành viên hội đồng Tư vấn đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Thưa ông, quyết định bỏ trần lãi suất huy động lúc này nhằm mục đích gì?
Chính phủ đã quyết định bỏ trần lãi suất để trở lại lãi suất cơ bản. Lý do là vừa rồi lãi suất đang xa rời nguyên tắc thị trường, thậm chí có những yếu tố vi phạm luật. Cách điều hành lãi suất đó khiến tiền vào ngân hàng ít, tiền cho vay cũng hạn chế, đe dọa tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM).
Lãi suất thấp không hấp dẫn người gửi nên không rút được lượng tiền cần thiết trong lưu thông để chống lạm phát, đồng thời còn tạo nghịch lý: Lãi suất lên kịch trần nhưng lãi suất tiền gửi ngắn hạn đẩy lên cao, lãi suất gửi dài hạn lại thấp hơn. Cả ngân hàng, doanh nghiệp (DN) đều không biết lãi suất sẽ đi đến đâu để có đối sách phù hợp.
| |
TS Cao Sỹ Kiêm (ảnh: |
Thứ hai, Nhà nước không phải điều hành bằng mệnh lệnh hành chính, không đẩy các NHTM vào tình thế vi phạm luật vì cho vay nặng lãi.
Thứ ba, sẽ tạo cơ sở để có lãi suất thực dương.
Theo ông, lãi suất ngân hàng có thể thực dương ngay được không?
Vấn đề này do thị trường điều chỉnh, không thể bỏ trần là có lãi suất thực dương ngay nhưng chắc chắn sẽ dần dần thoát khỏi tình trạng thực âm như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ quyết định lãi suất cơ bản dựa theo 3 căn cứ: lãi suất trên thị trường liên ngân hàng; lãi suất các nghiệp vụ thị trường mở và lãi suất trung bình của một số ngân hàng.
Nhưng NHNN cũng phải phán đoán cung cầu vốn để tính toán đưa lãi suất cơ bản theo hướng nâng lên hoặc hạ xuống cho phù hợp.
Liệu có xảy ra cuộc đua lãi suất như nhiều ý kiến đã lo ngại?
Không thể đua được vì NHNN đã quy định lãi suất cơ bản rồi. Anh đẩy lãi suất huy động lên cao quá thì phải cho vay cao lên, như thế vừa phạm lỗi vượt lãi suất cơ bản vừa không thu hút được DN vay vốn. Ngân hàng yếu kém thường phải huy động cao để cạnh tranh nhưng về lâu dài phải nâng trình độ lên mới trụ được.
Cơ quan chức năng có đặt ra các tình huống có thể xảy ra khi bỏ trần lãi suất để đề ra biện pháp ứng phó, thưa ông?
Chính phủ cũng đã lường trước một số tình huống. Đó là khả năng lãi suất cho vay bị đẩy lên cao, DN không chịu được. Đây là điều mà cả người cho vay và người đi vay phải tính toán rất chặt chẽ.
Một vấn đề nữa là sẽ có một số ngân hàng không trụ được, nhất là đối với các ngân hàng nông nghiệp vừa chuyển lên đô thị chưa có khách hàng, chưa có nhân sự mà đòi hỏi về vốn lại quá lớn. Như thế sẽ dẫn đến khả năng một số ngân hàng nhỏ phải sáp nhập.
Theo ông, mức cho vay hơn 20% là tất yếu khi bỏ trần lãi suất?
Tính toán sơ bộ cho thấy lãi suất huy động sẽ ở mức khoảng 13%-14%/năm và như thế là bảo đảm thực dương. Lãi suất cho vay cao nhất sẽ từ 19%-21%/năm. Giảm lãi suất tức là bao cấp, không thể giảm xuống được. Thực tế này buộc phải chấp nhận.
Ba phương án cho lãi suất cơ bản Hôm nay (17/5), NHNN tổ chức họp báo về triển khai công tác ngân hàng trong thời gian tới. NHNN đang xem xét 3 phương án điều hành lãi suất cơ bản trong tháng 6/2008. Phương án 1: 14,93%/năm; mức lãi suất cho vay cao nhất của tổ chức tín dụng là 22,4%/năm. Phương án 2: Lãi suất cơ bản trong điều kiện thắt chặt tiền tệ là 12,41%/năm; lãi suất cho vay cao nhất của các tổ chức tín dụng là 18,62%/năm. Phương án 3: Lãi suất cơ bản là lãi suất bình quân huy động đầu vào của các NHTM, sau khi đã tính chi phí dự trữ bắt buộc và dự trữ vốn để thanh toán, cộng với chi phí quản lý. Theo đó, mức lãi suất cho vay cao nhất 20,9%/năm. Bên cạnh đó, NHNN đề nghị chỉ xác định và công bố lãi suất cơ bản bằng VNĐ. |
Theo Tô Hà
Báo Người lao động