1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ TN-MT nói về đề xuất không thành lập rừng đặc dụng Hồ Núi Cốc

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ TN-MT nói về đề xuất chuyển toàn bộ diện tích rừng đặc dụng của tỉnh Bến Tre sang rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển và cho phép không thành lập rừng đặc dụng Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên).

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có báo cáo tổng hợp ý kiến và tiếp thu giải trình về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Bộ TN-MT nói về đề xuất không thành lập rừng đặc dụng Hồ Núi Cốc - 1

Một góc Hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.

Chưa có quyết định điều chỉnh của Thủ tướng

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đã có ý kiến đề nghị Bộ này xem xét, điều chỉnh, chuyển toàn bộ diện tích rừng đặc dụng (2.584,29 ha) của tỉnh Bến Tre sang rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển với lý do tại Báo cáo số 600/BC-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh Bến Tre có đề xuất không còn diện tích rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh.

Về việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định, khu bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển Thạnh Phú thuộc danh mục các khu bảo tồn tại Quyết định 1976/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay chưa có quyết định điều chỉnh.

Trong báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre chỉ đề xuất giảm diện tích đất rừng đặc dụng nhưng không có giải trình lý do điều chỉnh cụ thể. Hơn nữa, đây là khu vực có giá trị cao về đa dạng sinh học, động vật với 119 loài, phong phú hơn nhiều so với rừng ngập mặn ở các khu bảo tồn thiên nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long; động vật đã thống kê được 8 loài lưỡng cư, 27 loài bò sát, 16 loài thú và 60 loài chim. Xác định thực vật nổi có 85 loài tảo; động vật nổi 46 loài, động vật đáy là 38; tài nguyên cá với 3 loài thuộc 4 họ; tài nguyên tôm có 6 loài thuộc 4 họ.

Khu vực này cũng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ và bảo vệ môi trường; đai rừng ngập mặn còn có chức năng phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất ở các bãi bồi vùng ven biển. 

"Việc tổ chức quản lý, chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng là cơ bản như nhau. Do đó, về ý kiến này, đề nghị UBND tỉnh Bến Tre tiếp tục làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong quá trình xin ý kiến, thẩm định sẽ xem xét trên cơ sở ý kiến chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn"- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Có ý kiến đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thống nhất về diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2030 tỉnh Thái Nguyên đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia là 173.000 ha (trong đó rừng đặc dụng là 36.152 ha; rừng phòng hộ là 36.528 ha; rừng sản xuất là 100.320 ha). Trong đó, cho phép không thành lập khu rừng đặc dụng Khu dự trữ thiên nhiên Hồ Núi Cốc và thực hiện điều chỉnh quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng.

Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khu dự trữ thiên nhiên Hồ Núi Cốc thuộc danh mục các khu dự trữ thiên nhiên (Quyết định số 1976/2014 của Thủ tướng Chính phủ) nhưng đến nay chưa có quyết định điều chỉnh. Do đó, trong quá trình xin ý kiến, thẩm định sẽ xem xét trên cơ sở ý kiến chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Dọc đường Hồ Chí Minh khó thu hút nhà đầu tư

Trước ý kiến đề nghị nghiên cứu để phát triển nhanh các khu đô thị, khu công nghiệp... dọc đường Hồ Chí Minh để phân bổ lại dân cư phát triển kinh tế đảm bảo an ninh quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thực tiễn cũng như kết quả thực hiện quy hoạch, định hướng phát triển đô thị, khu công nghiệp dọc đường Hồ Chí Minh không thu hút được các nhà đầu tư.

"Nguyên nhân là vùng này hạn chế về tiềm năng cho đô thị và công nghiệp, hạ tầng, nguồn lao động… không đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, đây là vùng có rất nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn, khu vực xung yếu cần phát triển quỹ đất lâm nghiệp đảm bảo sinh thủy, hạn chế thiên tai, biến đổi khí hậu… Do đó sẽ xem xét tiếp cận trong định hướng dài hạn"- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Bộ TN-MT nói về đề xuất không thành lập rừng đặc dụng Hồ Núi Cốc - 2

Đường Hồ Chí Minh (Ảnh: C.N.Q).

Có ý kiến đề nghị xem xét, cân đối, tăng chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng nhóm đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 đối với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó, xây dựng và phát triển Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển nên diện tích đất trồng lúa của tỉnh đến năm 2030 giữ ổn định khoảng 100 nghìn ha.

Về việc này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng nhóm đất nông nghiệp sang các mục đích phi nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 của vùng được cân đối, tính toán căn cứ chiến lược phát triển giao thông, thủy lợi, năng lượng, khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị, hiện trạng, biến động, kết quả thực hiện quy hoạch, khả năng huy động nguồn lực thực hiện… Theo đó, diện tích đất phi nông nghiệp đến năm 2030 là gần 1,4 triệu ha, tăng 239 nghìn ha so với năm 2020 (tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2021-2030); trong đó, từ đất nông nghiệp khoảng 246 nghìn ha (đất trồng lúa khoảng 77 nghìn ha).

Đối với chỉ tiêu đất trồng lúa của tỉnh Thanh Hóa đề nghị giảm còn 100 nghìn ha (giảm 39,5 nghìn ha so với năm 2020) là quá lớn so với khả năng thực hiện. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020, Chính phủ cho phép đất trồng lúa giảm 13,66 nghìn ha; nhưng mới thực hiện được 7,1 nghìn ha; trong khi kỳ này tiếp tục đề nghị giảm tiếp gấp gần 3 lần so với kỳ trước là thiếu thuyết phục.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm