1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ TN-MT tham vấn về nhà máy xử lý chất thải rắn lớn ở TPHCM

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công khai tham vấn cộng đồng về đề xuất cấp Giấy phép môi trường cho Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar, TPHCM.

Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar của Công ty Cổ phần Vietstar nằm ở Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc thành phố, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM; tổng mức đầu tư trên 3.400 tỷ đồng.

Hiện nay, theo chủ đầu tư, nhà máy đang vận hành xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.800 tấn/ngày của TPHCM. 

Hồ sơ xin cấp phép của công ty nêu, tổng lượng nước đưa tới hệ thống xử lý nước thải khoảng 1.167m3/ngày đêm. Nước thải này sau khi được xử lý sẽ dùng 750m3 cho hoạt động rửa nhựa; còn lại khoảng 417m3 được xả thải ra kênh TC2-5.

Công ty khẳng định đã lắp đặt và vận hành hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục trước khi ra ngoài môi trường, có camera theo dõi, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và môi trường TPHCM.

Bộ TN-MT tham vấn về nhà máy xử lý chất thải rắn lớn ở TPHCM - 1

Nhà máy tích hợp xử lý chất thải rắn Vietstar của Công ty Cổ phần Vietstar (Ảnh: Hải Long).

Doanh nghiệp cũng cam kết toàn bộ chất thải nguy hại phát sinh được thu gom vào các thùng chứa, bao chứa riêng biệt; được kiểm tra liên tục và đưa về khu lưu chứa riêng; thực hiện các biện pháp quản lý chất thải nguy hại theo Thông tư số 02/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trước đó giữa năm 2023, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã thành lập đoàn kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực Tây Bắc huyện Củ Chi, TPHCM sau loạt bài phản ánh của báo Dân trí.

Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, cho biết kiểm tra cơ sở xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty Cổ phần Vietstar. 

Ghi nhận của báo Dân trí thời điểm đó, thực trạng ô nhiễm môi trường xung quanh Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc khiến người dân sống trong khốn khổ nhiều năm qua. Công suất xử lý rác của Công ty Tâm Sinh Nghĩa khoảng 1.000 tấn rác/ngày; nhà máy của Công ty Vietstar khoảng 2.000 tấn rác/ngày.

Bộ TN-MT tham vấn về nhà máy xử lý chất thải rắn lớn ở TPHCM - 2

Nước thải chưa được xử lý, đen ngòm đọng lại giữa bãi rác nhà máy Vietstar, bốc mùi hôi thối được phóng viên Dân trí ghi nhận vào giữa năm 2023 (Ảnh: Hải Long).

Các nhà máy của 2 doanh nghiệp này sử dụng dây chuyền công nghệ đốt rác phát điện để xử lý, thay thế việc chôn lấp thủ công như trước đây. Tuy nhiên, nhiều năm nay người dân địa phương vẫn "kêu trời" vì ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước thải.

Đến nay kết quả kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa được công khai rộng rãi.