Bộ Thông tin từng yêu cầu không “thay tên đổi họ” Bưu điện Hà Nội

(Dân trí) - ​Bộ Thông tin và Truyền thông từng có văn bản yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam lấy lại tên của tòa nhà đối diện hồ Gươm là “Bưu điện Hà Nội” thay vì “VNPT Hà Nội” như hiện nay.

Từ đầu năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam nêu ý kiến về việc thay đổi dòng chữ dưới đồng hộ Bưu điện Hà Nội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” đổi thành “VNPT Hà Nội” gây dư luận không tốt trong nhân dân.

Tòa nhà Bưu điện Hà Nội được đổi tên thành VNPT Hà Nội. (Ảnh: Toàn Vũ)
Tòa nhà Bưu điện Hà Nội được đổi tên thành VNPT Hà Nội. (Ảnh: Toàn Vũ)

Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, từ lâu đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã đi sâu và tiềm thức của người dân Thủ đô, đồng bào cả nước và cả bạn bè quốc tế.

Ngoài ra, biểu tượng đồng hồ Bưu điện Hà Nội đã được khắc họa sâu trong các tác phẩm nghệ thuật phim ảnh, điêu khắc, hội họa và lịch sử.

Do vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đổi lại bằng dòng chữ “Bưu điện Hà Nội” trên tòa Bưu điện như trước đây.

Cùng vấn đề trên, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng cho rằng, đơn vị chủ quản tòa nhà này (Công ty Viễn thông Hà Nội) nên trả lại cái tên Bưu điện Hà Nội như trước đây.

Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cũng sẽ kiến nghị UBND TP xem xét theo chiều hướng đồng thuận với ý kiến nhân dân về việc nên thay tên hiện nay - VNPT Hà Nội bằng tên vốn có của công trình này là Bưu điện Hà Nội.

Năm 1946, nơi đây là một trận địa chống Pháp quyết liệt của các chiến sĩ Thủ đô và công nhân Nhà Bưu điện.

Đây là đầu mối thông tin liên lạc giữa Thủ đô với các địa phương trong cả nước, phục vụ Chính phủ và các cơ quan quân sự, an ninh trong cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Công trình đã được gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến với nội dung: “Ngày 20/12/1946 tại Bưu điện Hà Nội, các chiến sĩ Thủ đô và công nhân bưu điện đã chiến đấu anh dũng, đánh lui nhiều đợt tấn công của giặc Pháp”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nóc của tòa bưu điện được chọn là một trong số những điểm bố trí hệ thống súng phòng không để bảo vệ bầu trời Thủ đô.

Quang Phong