1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Bờ sông sạt lở, dân chênh vênh bên miệng “thủy thần”

(Dân trí) - Hàng chục hộ dân thôn A Sóc, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị sống cạnh dòng sông Sê Păng Hiêng đang bị đe dọa từng ngày do tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra với tốc độ quá nhanh.

Theo ghi nhận, một đoạn sông dài gần 600m ngay dưới chân cầu Sê Păng Hiêng bị lấn sâu khá nghiêm trọng. Nhiều diện tích đất canh tác đã bị sạt lở và cuốn trôi; rất nhiều cây trồng lâu năm của người dân dọc mép sông bị cuốn xuống dòng sông, trơ gốc, gãy đổ ngổn ngang. Một số trụ cầu cũng đã bị nước sông làm xói mòn.

Móng cầu Sê Păng Hiêng bị nước xoáy sâu, sạt lở nghiêm trọng 
Móng cầu Sê Păng Hiêng bị nước xoáy sâu, sạt lở nghiêm trọng 

Được biết, tình trạng sạt lở tại sông Sê Păng Hiêng đã diễn ra từ nhiều năm nay. Nhưng trong đợt bão, lũ vừa qua, sông đã tiến sâu vào nhà dân thêm hàng chục mét và cuốn đi phần lớn đất đai sản xuất.

Nhà anh Hồ Văn Sinh chỉ còn cách bờ sông chừng 8m. Đợt mưa lũ vừa rồi đã cuốn trôi nhiều cây trồng và đất vườn canh tác của gia đình anh. Không giấu được vẻ hoảng hốt, anh Sinh cho biết: “Hồi trước bờ sông cách nhà tui đến 50m, nhưng bây giờ thì vào gần nhà rồi. Hơn chục cây mít tui trồng hơn chục năm nay, đã cho quả cũng bị trôi tuột xuống sông. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục xảy ra thì sợ rằng nhà tui sẽ bị cuốn lúc nào không hay”.

Rất nhiều đất vườn của gia đình anh Sinh đã bị cuốn trôi, cây lâu năm cũng trơ gốc
Rất nhiều đất vườn của gia đình anh Sinh đã bị cuốn trôi, cây lâu năm cũng trơ gốc
Rất nhiều đất vườn của gia đình anh Sinh đã bị cuốn trôi, cây lâu năm cũng trơ gốc

Sống cạnh anh Sinh, nhà anh Hồ Văn Núi cũng đang bị đe dọa từng ngày. Anh Núi cho biết, nhiều diện tích đất vườn của nhà anh bị trôi, những năm gần đây nay lại tiếp tục bị xói lở, thu hẹp dần. Đặc biệt, nhà anh Hồ Văn Linh sống gần cầu Sê Păng Hiêng nên bị sạt lở khá nghiêm trọng. Vườn nhà anh đang bị sạt lở nhiều đoạn, các loại cây cối cũng đã bị cuốn trôi.

Sạt lở nghiêm trọng dưới chân cầu
Sạt lở nghiêm trọng dưới chân cầu

Không chỉ nhà dân mà nhiều công trình công cộng như Trạm Y tế xã Hướng Lập cũng chỉ còn cách bờ sông hơn chục mét; trụ sở UBND xã cũng nằm trong danh sách bị dòng sông đe dọa.

Phía bên kia sông, nhà ông Hồ Đức Thiên cũng đang bị ảnh hưởng nặng. Được biết, trước mùa mưa, bão, UBND xã Hướng Lập đã tiến hành vận động di dời 2 hộ dân là Nguyễn Văn Vỹ và Nguyễn Văn Sỹ đến nơi an toàn. Còn trường hợp của anh Thiên vẫn chưa chịu di dời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Đức Vân, Chủ tịch UBND xã Hướng Lập cho biết, trước đây những hộ dân định cư dọc con sông này vẫn an toàn nhưng từ khi các đơn vị xây dựng vào đây khai thác cát, sạn với số lượng lớn, lại không trả lại mặt bằng khiến dòng sông bị thay đổi dòng chảy. Cũng chính vì thế, bờ sông Sê Păng Hiêng bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Chỉ trong vài năm trở lại đây, sông đã tiến sâu vào khu dân cư hơn 20m, theo đó nhiều diện tích canh tác của người dân bị cuốn trôi, khoảng 50%.

Để hạn chế một phần tình trạng trên, xã đã hướng dẫn người dân trồng nhiều loại cây để bảo vệ đất đai, nhà cửa nhưng vẫn không phát huy hiệu quả. “Lo ngại tình trạng sạt lở cứ tiếp diễn với mức độ ngày cành mạnh, UBND xã đã đề xuất với cấp trên về phương án xây dựng kè chống xói lở. Tuy nhiên, để thực hiện được cũng cần có nguồn vốn rất lớn nên rất khó triển kha” – ông Vân nói. 

Đăng Đức