1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bỏ sổ hộ khẩu phải bỏ được chuyện người thường trú hay KT3, KT4

(Dân trí) - “Bỏ sổ hộ khẩu, những việc như xin việc, xin học, đăng ký xe… rõ ràng phải thay đổi. Khi đó, không thể có chuyện có hộ khẩu thì được học trường này, không có hộ khẩu thì phải học trường kia, không có chuyện hộ khẩu thường trú hay chỉ là KT3, KT4… nữa” – Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha nói.

- Thông tin Chính phủ đồng ý cho bỏ sổ hộ khẩu khiến người dân rất hồ hởi. Tuy nhiên, chủ trương này sau đó được lãnh đạo Bộ Công an giải thích, bỏ giấy tờ, thủ tục không có nghĩa là bỏ hình thức quản lý bằng hộ khẩu. Nhiều ý kiến cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu như vậy không nhiều ý nghĩa với người dân?

- Trước hết, chúng ta phải đánh giá rất cao nỗ lực của Chính phủ cũng như ngành Công an mà trực tiếp là Bộ trưởng Công an trong việc quyết tâm cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư. Việc Chính phủ có quyết định bỏ sổ hộ khẩu và Bộ Công an cũng quyết tâm làm như vậy rất đáng hoan nghênh.

Nói ngược một chút thì trước đây, chính vấn đề quản lý bằng hộ khẩu đã gây ra rất nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân. Như câu chuyện về nhà đất chẳng hạn, một thời chúng ta đã nói mãi về quy trình vòng vèo, muốn được cấp sổ đỏ thì phải có hộ khẩu mà muốn được nhập hộ khẩu thì lại phải có nhà ở, có nơi cư trú hợp pháp. Mà hơn ai hết, người nghèo chính là người khó có khả năng bước chân vào diện quản lý chính thức của nhà nước.

Việc đó thành ra dẫn tới tiêu cực và chuyện tiêu cực, khái niệm “chạy hộ khẩu” là có thật suốt một thời gian dài chứ không phải không. Như thế nghĩa là người dân đang bị tước đi những điều kiện mà vì cách thức quản lý như vậy mà người dân phải luồn lách, tìm cách nhờ vả để được việc của mình, để được thực hiện những quyền đương nhiên là của mình.

Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha: Vấn đề thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn phải quản lý nhưng những việc khác như xin việc, xin học, đăng ký xe… thì rõ ràng phải thay đổi.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Pha: "Vấn đề thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn phải quản lý nhưng những việc khác như xin việc, xin học, đăng ký xe… thì rõ ràng phải thay đổi".

- Những hạn chế trong việc duy trì sổ hộ khẩu đã được phân tích nhiều khi Quốc hội làm luật Cư trú, nó làm ảnh hưởng tới quyền tự do cư trú của người dân. Từ đó đến nay cũng đã thêm nhiều năm, sổ hộ khẩu mới có thể chính thức loại bỏ nhưng việc này có dẫn tới thay đổi căn bản phương thức quản lý dân cư?

- Tôi đã nghiên cứu và thấy, trên thế giới, số nước còn quản lý bằng hộ khẩu chỉ còn 3-4 nước thôi và đa số các nước giờ đều dùng mã số định danh cá nhân cả, nghĩa là từ khi sinh ra đến lúc qua đời mỗi người chỉ gắn với một dãy số đó thôi. Vậy nên nỗ lực để bỏ sổ hộ khẩu và chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân như này là rất tốt, đáng ghi nhận.

Tuy nhiên cũng có người dân, dư luận băn khoăn là không cẩn thận rồi việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ theo kiểu “một cửa nhưng lại có nhiều khoá”, bỏ sổ hộ khẩu nhưng vẫn quản lý theo dạng như hộ khẩu thì việc này cũng không có tác dụng gì cả.

Với giải thích của Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì tôi hiểu là những thủ tục quản lý về đăng ký nơi thường trú, tạm trú, tạm vắng… vẫn phải có. Cái này đúng là có thể vẫn phải duy trì, thực hiện vì ngành công an cũng cần quản lý công dân, quản lý về an ninh trật tự trên địa bàn, vậy thì người ta cũng cần biết ai ở khu vực đó, thông tin nhân thân thế nào… Phải thông cảm với yêu cầu quản lý đó. Vấn đề là không được để cho biến tướng từ việc bỏ sổ hộ khẩu mà lại quay sang chuyện quản lý này kia thì thành phản tác dụng.

- Cách thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân dường như vẫn rất khó hình dung, nó sẽ “cởi trói” cho người dân thế nào khi nó được dùng để thay thế cho sổ hộ khẩu?

- Quản lý về thường trú, tạm trú qua mã số định danh cá nhân cần thực hiện theo cách thức trên cơ sở chỉ xoay quanh cái trục đã cải tiến là mã số định danh để người dân khi di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì chỉ cần thủ tục khai báo thật đơn giản để cơ quan quản lý nắm được thôi. Đó là phải là cách thức thực sự thông thoáng để không gây phiền hà cho người dân.

Và khi bỏ hộ khẩu rồi thì các cơ quan tổ chức, các yêu cầu phải làm hồ sơ giấy tờ cũng lập tức phải chuyển đổi theo hướng đó để không buộc người dân phải trình bày quá nhiều vấn đề về nhân thân như vẫn phải làm trước nay với những việc liên quan đến hộ khẩu.

- Nếu được như thế thì ai cũng mong muốn. Sổ hộ khẩu mấy chục năm qua là sự ràng buộc rất lớn với người dân, đó chính là trường học cho con cái, là cái gắn cơ sở khám chữa bệnh, là điều kiện để thực hiện quyền sở hữu tài sản như mua nhà, đăng ký xe… Vậy bỏ được quyển sổ đó nhưng vẫn duy trình hình thức quản lý cư trú như thế thì những vướng mắc có tháo gỡ được?

- Tôi xin nhắc lại, tôi chỉ ủng hộ phát biểu của Bộ trưởng Công an là vấn đề thường trú, tạm trú, tạm vắng vẫn phải quản lý nhưng những việc khác như xin việc, xin học, đăng ký xe… thì rõ ràng phải thay đổi. Đã không còn sổ hộ khẩu rồi thì không được phép đòi hòi người ta phải lo hộ khẩu nữa. Khi đó, không thể có chuyện có hộ khẩu thì được học trường này, không có hộ khẩu thì phải học trường kia, không có chuyện hộ khẩu thường trú hay chỉ là KT3, KT4… gì gì nữa.

Tóm lại là những việc mà hiện nay đang đòi hỏi hộ khẩu thì với việc bỏ sổ hộ khẩu đương nhiên là phải xoá bỏ, không được dùng nữa. Hãy yên tâm là một khi đã bỏ sổ thì đương nhiên các cơ quan không có quyền gì mà đòi hỏi người dân phải trình ra hộ khẩu.

Nhưng để thay đổi được việc đó phải là sự cố gắng rất lớn của các cơ quan, cả về nhận thức cũng như mẫu hồ sơ… Những thông tin về hộ khẩu sẽ chuyển thành mục mã số định danh. Mã số đó, dù có xác định là cấp ở nơi nào, địa phương nào thì cũng khác hẳn với việc quản lý bằng hộ khẩu.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm