Bỏ quên mục tiêu “năm văn minh đô thị”
(Dân trí) - Trong kỳ họp đầu năm, UBND TPHCM thống nhất mục tiêu “Năm 2008 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Nhưng trong 3 Quyết nghị tại kỳ họp HĐND vừa qua của TP lại không hề nhắc đến mục tiêu này trong 6 tháng cuối năm.
Văn minh đô thị: Nửa đường đứt gánh
Tại kỳ họp thứ 12, HĐND TPHCM khóa VII, trong Nghị Quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TPHCM năm 2008 mà Chủ tịch UBND TP Phạm Phương Thảo ký ngày 7/12/2007 có đoạn: “Năm 2008 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, thành phố nỗ lực phấn đấu để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển theo hướng bền vững, trên cả ba lĩnh vực: kinh tế, xã hội và môi trường. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và đảm bảo quản lý tốt quy hoạch. Giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc, ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả họat động của bộ máy chính quyền các cấp. Chọn năm 2008 là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”.
Sau khi quyết nghị của kỳ họp thông qua, cả thành phố đều quyết tâm phấn đấu để xây dựng một thành phố văn minh, sạch đẹp. Trên khắp các tuyến đường xuất hiện nhiều băng rôn, khẩu hiệu, cờ phướn tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Đã có nhiều đoàn thể triển khai một số công trình, chương trình như: “Làm gọn cáp viễn thông và sạch đẹp tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai”, “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm”, Hội thi hành tinh xanh với chủ đề “Môi trường quanh ta”…
Kết quả sau 6 tháng đầu năm, đã xóa bỏ trên 4.500 quảng cáo rao vặt sai quy định, tháo gỡ 270 băng rôn, cờ phướn quảng cáo trái phép; Đảm bảo không để rác tồn đọng và có kế hoạch thu gom rác dứt điểm trước 22 giờ mỗi ngày…
Trong báo cáo về tình hình thực hiện chủ trương này, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Thành Tài nhận xét: “Tình hình thực hiện kế hoạch “Năm 2008 - Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” có chuyển nhưng chưa mạnh”.
Cái chưa mạnh thể hiện ở chỗ, công tác tuyên truyền, cổ động chưa thật sự đi vào chiều sâu. Chúng ta mới thực sự “vận” nhưng chưa “động”. Một bộ phận dân cư không nhỏ chưa có chuyển biến tích cực về ý thức tự giác giữ vệ sinh, bảo vệ môi trường xung quanh.
Những “căn bệnh kinh niên” vẫn chưa có thuốc đặc trị. Ngập nước, công trình xây dựng chiếm dụng lòng lề đường kéo dài làm kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm tại một số tuyến đường…
Các ban ngành chức năng chưa tìm ra phương pháp giải bài toán kẹt xe, ngập nước… nên phần nào đánh mất lòng tin của người dân. Vì thế, những nguyên nhân chủ quan này làm ảnh hưởng đến mục đích và kết quả của cuộc vận động.
Mục tiêu trong năm là thực hiện nếp sống văn minh đô thị trên cơ sở phát triển kinh tế bền vững. Thế nhưng, trong 3 Quyết nghị vừa thông qua của UBND TP về nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong 6 tháng còn lại của năm 2008 lại không hề đá động đến việc thực hiện “Năm văn minh đô thị”.
Đỗ lỗi cho người dân
Trong kỳ họp, trả lời chất vấn của đại biểu, nhiều Giám đốc Sở, ngành cho rằng tiến độ thực hiện công việc của Sở mình còn nhiều hạn chế một phần do ở ý thức chấp hành của người dân chưa cao.
Trước thực trạng đào đường ngày càng nhiều, Sở Giao thông - Vận tải TPHCM đã chỉ đạo đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, và để giảm ùn tắc giao thông nên thi công vào đêm… Tuy nhiên, khi trả lời báo chí về một số công trình “rùa” nhưng ban đêm vẫn bình chân như vại, một Phó Giám đốc Sở giải thích rằng vì thi công gây ồn, mất ngủ nên người dân không cho làm…
Nhiều Giám đốc Sở còn đùn đẩy, không chịu nhận trách nhiệm về mình. Như công trình cầu vượt Gò Dưa (nằm trên đường Xuyên Á. Thủ Đức), đã trải qua 8 kỳ họp hội đồng nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể. Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải lại cho rằng, công trình do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư nên trách nhiệm thuộc về Bộ Giao thông Vận tải. Liên quan đến việc giải phóng mặt bằng, ông Phượng nói rằng việc đó là thẩm quyền của quận Thủ Đức.
Cũng như cầu Gò Dưa, kênh Ba Bò trên địa phận quận Thủ Đức, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường cho rằng: “Công trình này do Khu quản lý số 2 làm chủ đầu tư nên trả lời về tiến độ của dự án là trách nhiệm của chủ đầu tư chứ không phải chúng tôi. Còn việc di dời người dân ra khỏi vùng ô nhiễm là trách nhiệm của Sở Công nghiệp. Chúng tôi chỉ là thành viên”.
Những vấn đề tồn tại về môi trường như giao thông ùn tắc, nhiều rác rưởi trên đường, làm mất mĩ quan đô thị… các vị lãnh đạo nếu không có đường chối thì đỗ lỗi cho người dân. Đại loại như: “ý thức người dân còn kém”, “chúng tôi không thể giải quyết dứt điểm khi người dân vẫn không chịu chấp hành mà cứ vô tư xả rác, phóng uế…”.
Mặt khác, ông Đào Anh Kiệt tha thiết kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, có như vậy vấn đề môi trường mới có thể cải thiện tốt được.
Khi đưa ra mục tiêu thực hiện nếp sống văn minh đô thị, UBND TP đã giao cho các ban ngành cụ thể trực tiếp triển khai hành động, công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, các ngành mới hoàn thành công tác tuyên truyền, chưa triển khai hành động. Thậm chí các đơn vị này còn chưa có những tiêu chí cụ thể cho việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chưa biết phải làm những gì để thành phố văn minh…
Công Quang