1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Nông nghiệp đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng bệnh lạ ở trâu bò

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, mặc dù kịch bản có từ sớm, nhập khẩu vắc xin cũng rất kịp thời nhưng đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin viêm da nổi cục cho trâu bò còn rất chậm.

Tại Hội nghị phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, diễn ra vào sáng nay (27/5), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xâm nhiễm vào Việt Nam từ tháng 10/2020, đến nay cả nước đã ghi nhận 2.306 ổ dịch tại 32 tỉnh, thành phố, với tổng số gia súc mắc bệnh hơn 60.000 con, trong đó, số chết, buộc tiêu hủy là gần 9.600 con.

Bộ Nông nghiệp đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng bệnh lạ ở trâu bò - 1

Quang cảnh hội nghị.

Diễn biến dịch hiện nay tiếp tục phức tạp và lây lan nhanh. Để ngăn chặn dịch lây lan, các địa phương đã chủ động kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, tuy nhiên đến nay mới chỉ có khoảng 30 tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức tiêm phòng cho đàn trâu bò, với hơn 1,5 triệu liều vắc xin.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, người chăn nuôi hiện nay đang gặp nhiều khó khăn vì không chỉ ứng phó với bệnh viêm da nổi cục, mà dịch tả lợn châu Phi đã quay trở lại ở nhiều địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần đẩy nhanh việc tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho đàn trâu bò. Theo đó, phải chủ động và linh hoạt, đảm bảo số lượng vắc xin tiêm phòng cho đàn gia súc, bên cạnh đó người dân cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh, tích cực chăm sóc vật nuôi, tăng sức đề kháng cho gia súc. Một số ý kiến đề nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn kiện toàn lực lượng thú y cơ sở để phát hiện và ngăn chặn kịp thời dịch lây lan, đồng thời xem xét cơ chế hỗ trợ cho những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn về ngân sách.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh này đã chỉ đạo tổ chức tiêm đạt tỷ lệ 33,5% và sẽ tiếp tục thực hiện để làm sao tiêm phòng được cho tổng đàn. Để làm được, Sơn La kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho công tác tiêm phòng, chống dịch cũng như thực hiện chỉ đạo theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các tỉnh miền núi phía Bắc, những tỉnh điều kiện kinh tế còn khó khăn bằng nguồn vắc xin để làm sao cho các tỉnh có thể tiêm được với tỷ lệ tối đa. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo xây dựng đề án nâng cao năng lực của hệ thống cơ quan thú y các cấp.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, đến nay các doanh nghiệp đã nhập khẩu 2,78 triệu liều vắc xin và đã cung ứng trên 1,5 triệu liều cho 30 tỉnh, thành phố để tiêm phòng. Hiện trong kho của các doanh nghiệp còn hơn một triệu liều và sẽ tiếp tục nhập khẩu thêm 1,34 triệu liều trong tháng này.

Ông Nguyễn Văn Bách, là tổng giám đốc một trong 3 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu vắc xin viêm da nổi cục cho rằng, hiện nay dịch lây lan trên 30 tỉnh, thành phố, chúng ta chờ xuất hiện dịch mới triển khai tiêm phòng vắc xin thì rất khó khăn trong việc khống chế và kiểm soát dịch. Phải chủ động tiêm phòng trước vì sau khi tiêm phòng vắc xin 21 ngày mới phát huy hiệu quả của vắc xin, còn nếu để dịch xảy ra mới tiêm phòng khi đó mầm bệnh đã lưu hành trên đàn gia súc, hiệu quả vắc xin sẽ không cao.

Bộ Nông nghiệp đẩy nhanh việc tiêm vắc xin phòng bệnh lạ ở trâu bò - 2

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nêu rõ, nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục phát sinh và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao do thời tiết thay đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển như: ruồi, muỗi, ve, mòng… Từ thực tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trong thời gian qua cho thấy, nếu các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục đảm bảo tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% tổng đàn gia súc thuộc diện tiêm sẽ góp phần ngăn chặn dịch bệnh.

Ông Tiến nhấn mạnh, các địa phương, phải đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh Covid 19 vừa bảo vệ và phát triển chăn nuôi. Theo đó, ông đề nghị các địa phương sớm xây dựng kế hoạch tiêm phòng bởi phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò là rất quan trọng để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi và tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay.

"Kịch bản có rất sớm, nhập khẩu vắc xin cũng rất kịp thời nhưng đến nay tỷ lệ tiêm vắc xin viêm da nổi cục rất chậm. Mấy hôm trước chỉ 10% gia súc phải tiêu hủy nhưng đến nay đã là 16% trên tổng đàn hơn 60.000 con. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch bố trí kinh phí để mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng. Cùng với đó, các địa phương cũng cần tăng cường thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, tuyệt đối không bán chạy trâu bò nghi nhiễm bệnh, không giết mổ buôn bán, vận chuyển trâu bò mắc bệnh", ông Tiến nhấn mạnh tại  hội nghị.