Bộ Ngoại giao nói về việc Việt Nam phản đối Trung Quốc tới Liên hợp quốc
(Dân trí) - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, việc lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc là bình thường, thể hiện lập trường, để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đất nước.
Tại cuộc họp báo chiều 9/4/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhận được một số câu hỏi từ các phóng viên nước ngoài. Báo chí các nước đặt vấn đề, trước đây, Việt Nam nhiều lần cho biết, không loại trừ khả năng kiện Trung Quốc liên quan đến những đòi hỏi về chủ quyền của nước này ở Biển Đông và đề nghị người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết về tiến trình chuẩn bị hồ sơ pháp lý của Việt Nam. Liệu Việt Nam có tiến hành các thủ tục khởi kiện Trung Quốc sau khi Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc ngày 30/3/2020 đã gửi Công hàm phản đối 2 công hàm nhận chủ quyền của Trung Quốc tới Tổng thư ký Liên hợp quốc?
Trả lời câu hỏi, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định, lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế như đã được thể hiện trong Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về luật Biển 1982.
Việc lưu hành công hàm tại Liên hợp quốc, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, là việc làm bình thường, thể hiện lập trường và để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam.
“Lập trường nhất quán của Việt Nam đã được thể hiện đầy đủ tại công hàm này. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam với các vùng biển được xác định theo Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về luật Biển 1982” – bà Hằng nhấn mạnh.
Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, những ngày qua, truyền thông Trung Quốc đưa tin nước này sắp đưa thủy phi cơ cỡ lớn ra Biển Đông. Báo giới đề nghị người phát ngôn bình luận về việc này.
Đáp lại, bà Lê Thị Thu Hằng nêu nguyên tắc, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm của các nước trong và ngoài khu vực.
Bà Hằng nêu quan điểm: “Chúng tôi mong muốn các nước tăng cường hợp tác, đóng góp thiết thực vào hòa bình, ổn định vì mục tiêu nói chung”.
Phương Thảo