1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ máy giảm nghèo: “Ông” giữ tiền, “ông” tư vấn, người thụ hưởng...

“Tôi đồng ý rằng, vấn đề mô hình giảm nghèo toàn do từ trên áp đặt xuống. Một xã đào tạo 20 người học nghề sửa chữa xe máy, trong khi cả làng có không quá 10 cái xe. Hay là chuyện cả làng đi học sửa chữa điện. Rất khó để sau đó có thể trở thành nghề”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi ví von về mô hình giảm nghèo.

 

 

Cảnh sinh hoạt của một gia đình thuộc diện hộ nghèo ở tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Cảnh sinh hoạt của một gia đình thuộc diện hộ nghèo ở tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Hải Nguyễn) 

 

Báo cáo giám sát công tác xóa nghèo được thẩm tra tại Ủy ban Các vấn đề xã hội hôm qua (23/4), hóa ra toàn chuyện... có cũng như không.

 

Chợ không ai họp. Đường không ai đi

 

ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa) mang chuyện “heo đen, heo trắng”, mà quá trình giám sát ông đã chứng kiến, ra kể trước nghị trường. Đó là ở địa phương ông, một “bà con” được hỗ trợ hai con heo, một đen, một trắng. Heo đen thì nhốt chuồng. Heo trắng thì thả rông. Hỏi rằng cho heo đen ăn gì? Đồng bào đáp không biết cho nó ăn gì, vì cán bộ xóa nghèo cũng chẳng nói nó ăn gì.

 

Heo đen nó ăn củ khoai, ăn măng trên rừng. Nó không tìm được thức ăn là nó chết. Và ông Tuân kết luận rằng “chúng ta”, tức những người làm công tác xóa đói giảm nghèo, đã làm không đến nơi đến chốn. ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì phản ánh tình trạng “dạy nghề sửa vi tính đại trà cho người vùng sâu vùng xa”, giống y như là “dạy cho người thành phố học sửa tàu vũ trụ vậy”.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bùi Sĩ Lợi cũng nhắc tới câu chuyện thực tế mà ông từng trực tiếp chứng kiến khi “Một xã đào tạo 20 người học nghề sửa chữa xe máy, trong khi cả làng có không quá 10 cái xe. Hay là chuyện cả làng đi học sửa chữa điện”. Là người chủ trì phiên họp, ông Lợi mang điều mà bà con đã tổng kết đối với không ít dự án xóa nghèo, rằng “Làm chợ thì không ai họp. Làm đường thì không ai đi”.

 

Ban chỉ đạo giảm nghèo chỉ là định kỳ đi họp

 

Báo cáo giám sát ghi nhận những nỗ lực xóa nghèo thông qua các con số. Đó là có tới 70 chương trình xóa đói giảm nghèo đang cùng được thực hiện. Đó là số tiền ngân sách dành cho dạy nghề lên tới 4.778 tỉ đồng. Đó là 1,1 triệu lao động được dạy nghề. Nhưng bên cạnh những con số ấy là thực tế 168.000 lao động cỡ “cử nhân, tiến sĩ” không có việc làm, là một bộ phận lớn người nghèo vay tiền đi xuất khẩu lao động đang không có khả năng trả nợ. Và đó là chênh lệch thu nhập đang tăng từ 8,1- 9,2%. Tại sao tiền xóa đói giảm nghèo được đầu tư lớn nhưng không mang lại hiệu quả?

 

ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) lý giải: Mức hỗ trợ hạ tầng thiết yếu cho vùng đặc biệt khó khăn, tôi cho rằng mức 1 tỉ là rất thấp. Trong khi chỗ khác lại đầu tư dàn trải. Nêu câu chuyện “cái chợ” - nơi người dân không mua, không bán trong đó - sau phải sửa lại thành 1 cái hội trường, trong khi hội trường hiệu quả sử dụng rất ít, bà Phúc nhìn nhận việc đầu tư là sự “lãng phí”. Còn nguyên nhân lãng phí là bởi “Ở một số địa phương, sự quan tâm là không có. Ban chỉ đạo giảm nghèo định kỳ thì đi họp, rất hình thức”.

 

ĐBQH Nguyễn Tấn Tuân thì nhìn nhận nguyên nhân từ sự yếu kém của bộ máy giảm nghèo, khi công tác giảm nghèo đang ở vào tình trạng “mạnh ai nấy làm. Ai làm quản lý, ai làm truyền thông, một ông giữ tiền, một ông tư vấn, một người thì thụ hưởng”.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Đỗ Mạnh Hùng cũng không ít thâm thúy khi ông nói về những báo cáo xóa nghèo của các tỉnh giống nhau đến kỳ lạ. Đó cũng là sự “lồng ghép” - ông Hùng bình luận. Trong khi đó, dù đã 2 lần thay đổi chuẩn nghèo, nhưng ông Hùng cho rằng: Không phải là chuẩn nghèo, mà chỉ là chuẩn thực hiện chính sách.

 

Hộ nghèo không muốn... thoát nghèo - đây là tình trạng chung của nhiều tỉnh, thành phố, được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo T.Ư về giảm nghèo bền vững, diễn ra ngày 23/4 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì.

 

Trước tình trạng phụ thuộc và ỷ lại của một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo, đại diện nhiều bộ, ngành và địa phương đã kiến nghị ban chỉ đạo có phương án giảm các nguồn hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo để tăng tính chủ động, ý thức vươn lên thoát nghèo của những hộ này. Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc giảm hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo sẽ gắn với trách nhiệm của họ, đồng thời cho họ quyền chủ động và cam kết thoát nghèo. Tỉnh này đã có cách làm cho kết quả ban đầu khả quan khi chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhà nước chỉ hỗ trợ một nửa các hạng mục, số còn lại do dân tự huy động. Kết quả là do có tiền của mình đổ vào nên không ít hộ nghèo đã rất lo lắng và họ cam kết sẽ thoát nghèo. Điều này được UBND tỉnh Sóc Trăng đồng tình khi đề xuất phân nhóm cụ thể các hình thức trợ cấp trực tiếp hay gián tiếp. Theo đó, chỉ trợ cấp trực tiếp cho những đối tượng đặc biệt như người mất khả năng lao động, người cao tuổi, tàn tật, hạn chế thấp nhất đối với đối tượng cấp trực tiếp, cho không. Dương Hà

 

Theo Anh Đào
 
Lao động

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm