1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bở hơi tai tìm người giúp việc

(Dân trí) - Trời rét đậm học sinh được nghỉ học, người giúp việc cũ về quê ăn tết rồi không lên... nhiều gia đình Hà Nội đang chạy đôn chạy đáo tìm người giúp việc nhưng vẫn không có. Đến liên hệ tại các dịch vụ việc làm cũng chỉ nhận được lời hứa… “ngoài rằm”.

Anh Phạm Quang Minh (công tác tại một viện nghiên cứu) kể khổ, người giúp việc anh thuê từ Vĩnh Phúc đã nghỉ việc vì lý do... về quê ăn tết. Ra năm, đứa con trai tuổi rưỡi vẫn chưa thể tìm người trông.

Đã gần một tuần nay, vợ ở nhà trông con, còn anh thì tìm đến các trung tâm việc làm liên hệ tìm người giúp việc. Tuy nhiên, yêu cầu của anh không được đáp ứng vì “ra tết, chưa có nhiều người lên”. Anh được các trung tâm hẹn đến… ngoài rằm.

Ra năm là thời điểm nhu cầu thuê người giúp việc tăng lên khá nhiều, trong khi đó lượng lao động ngoại tỉnh đổ về Hà Nội từ trong tết cũng chưa vội quay lại chỗ làm cũ, bên cạnh đó một số người vì nhiều lý do cũng không trở lại làm việc.

Chị Tuyết, cán bộ trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, nói, cả hai vợ chồng bắt đầu làm việc gần một tuần nay, thiếu người trông trẻ, đành gửi con về cho bà ngoại ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) trông hộ.

“Ngày nào vợ chồng cũng cắt cử nhau tìm người giúp việc, nhưng khó lắm, tìm ở quê không có đành ghé vào các trung tâm giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, người mà mình ưng ý thì khó kiếm hoặc một vài nơi cũng từ chối vì thiếu người”, chị Tuyết nói.

Trước đó, nhiều gia đình cũng đã giữ chân người giúp việc bằng cách giữ lại số tiền thưởng khi họ về tết, hoặc tăng tiền lương trong những tháng cuối năm, tuy nhiên cách làm này cũng khó lòng giữ chân được họ.

Trên thực tế, nhiều người sau khi về quê vì nhiều lý do đã không quay lại làm việc, cũng có người tìm được việc khác hay gia đình khác có thu nhập cao hơn.

Năm nay trời rét đậm, rét hại, ra tết học sinh tiểu học được nghỉ học làm "đảo lộn sinh hoạt" của nhiều gia đình. Không thể bỏ bê công việc trong những ngày đầu năm nhưng cũng không đành lòng để trẻ ở nhà 1 mình, nhiều gia đình tại Hà Nội buộc lòng phải thuê lao động làm theo giờ. Giá cả cho mỗi giờ trông cũng tuy theo địa điểm thuê xa hay gần.

Cả hai gia đình nội ngoại đều xa, buộc lòng ra tết vợ chồng chị Lưu Thị Hạnh (Yên Hoà, Cầu Giấy) phải thuê người giúp việc theo giờ, với chi phí 10.000 đ/giờ. “Khi nào tìm được người mới thì dịch vụ đó mới kết thúc”, chị Hạnh nói.

Chị Nguyễn Thị Chanh, nhân viên công ty Mai Hoàng, cho biết, hiện tại công ty có 60 nhân công chuyên giúp việc theo giờ. Với những gia đình ở xa công ty, lệ phí mỗi giờ từ 12.000 - 13.000đ, những gia đình ở gần thì chi phí sẽ rút xuống còn 10.000 đ/giờ.

Cũng theo chị Chanh, những ngày đầu năm mới, nhu cầu thuê người giúp việc ở các gia đình đã tăng lên rất nhiều. Nếu trước đây ở công ty vẫn có số lao động chờ việc thì trong những ngày này, hầu như chị em nào cũng có việc làm, có thời điểm không còn ai trong văn phòng cả.

Khan hiếm lao động làm việc nhà, nhiều người gọi đùa đây là thời của người giúp việc. Mặc dù từ trong tết đã thoả thuận với một người giúp việc từ Thái Bình là 700.000 đ/tháng, nhưng khi ra tết xuống đón lên Hà Nội thì được người giúp việc mặc cả lên 1.000.000 đ.

“Thà đắt một chút nhưng còn hơn là chẳng kiếm được người”, chị Thu Hà (Ba Đình) nói về trường hợp của mình.

Không có nhiều ràng buộc giữa người thuê và người làm nên lao động giúp việc tại các gia đình cũng nghỉ việc tuỳ thích. Đó cũng là cách lý giải vì sao tại các trung tâm việc làm đầu năm mới lại ích người đến nộp hồ sơ xin việc.

Anh Long, phụ trách nhân sự một công ty Thương mại - Dịch vụ - Việc làm, cho biết, thông thường hết tháng hai người ở quê mới lên tìm việc làm nhiều. Đây đang là thời điểm mùa vụ, với lại đang có hơi hướng tết nên nhiều người cũng không quan tâm lắm đến việc kinh lý ra nội thành xin việc làm.

Tại TPHCM, nhiều gia đình cũng mếu máo vì thiếu người giúp việc. 

Anh Xuân Trường, giám đốc kinh doanh, ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết, anh đã phải về tận quê ở Nghệ An để tìm người trông trẻ giúp. Nhưng sau 2 năm, oshin nhà anh đã xin nghỉ. Những ngày này, vợ chồng anh đôn đáo chạy tìm người, vì con nhỏ vẫn chưa thực sự cứng cáp. Đem vào nhà trẻ thì không an tâm trước những thông tin liên tiếp về các vụ bạo hành trẻ em ở nhà trẻ. 

Thầy Chí Cường, giảng viên Trường Cán bộ TPHCM than thở: “Không có người giúp việc, vợ chồng tôi không biết phải xoay xở thế nào vì con còn quá nhỏ và hai vợ chồng đều phải đi dạy suốt”. Nhưng, cũng theo thầy Cường, sau sự cố người giúp việc “ẵm” 15 triệu đồng rồi biến mất trước Tết khiến thầy không thể tin tưởng bất cứ ai.

Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân khiến người giúp việc về quê ăn Tết không quay trở lại nữa do họ phải gánh chịu nhiều phiền phức từ phía gia chủ. Cô Lành, năm nay đã 55 tuổi, quê Ninh Thuận, từng phục vụ cho một gia đình tại quận Phú Nhuận 2 năm trời. Nhưng trước khi về Tết năm nay, cô đã quyết định xin nghỉ việc luôn. Lý do cô đưa ra là không thể nào chịu nổi cảnh ông chủ đêm nào cũng uống rượu say khướt rồi chửi bới om sòm. 

Khảo sát của Dân trí tại các trung tâm dịch vụ việc làm ở TPHCM cho thấy, dịch vụ người giúp việc nhà đang lên “cơn sốt” do khoảng trống nhân lực giúp việc tại các gia đình quá lớn. Mỗi ngày, các trung tâm phải từ chối hàng chục cuộc điện thoại hỏi tìm người.  

Hiện tại, phí thù lao dành cho người giúp việc chuyên nghiệp đã tăng gấp đôi so với năm ngoái, với mức 1,2-1,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể các khoản ăn uống và hàng năm phải may 2-4 bộ đồ. Tuy vậy, thực tế nguồn cung vẫn rất “nhỏ giọt”. 

Chị Thùy Trang, Trung tâm hỗ trợ sinh viên cho biết, có rất nhiều người tìm sinh viên phụ giúp việc nhà bán thời gian, nhưng từ Tết đến nay, trung tâm chỉ đáp ứng được khoảng 15 lao động.

Công việc chính mà các gia chủ yêu cầu thường là lau nhà, giặt đồ, giữ trẻ... Mỗi ngày làm việc khoảng 4 tiếng. Trước Tết, tiền công mỗi giờ khoảng 10.000 đồng/người, nhưng nay đã tăng lên 12.000-14.000 đồng/giờ. Lợi thế của nguồn nhân lực sinh viên là các bạn làm việc nhiệt tình và được tin tưởng về mặt tư cách. Tuy nhiên, sinh viên được nghỉ Tết dài, vào học muộn nên trung tâm rất “sốt ruột” trước đơn đặt hàng của các gia chủ liên tục “dội” về.

Trần Hưng - Nguyên Tuấn