1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ GTVT trả lời về chất lượng đường Hồ Chí Minh

(Dân trí) - Tháng 2/2007, ông Lê Lợi (TP Vũng Tàu) gửi tới buổi đối thoại trực tuyến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phản ánh về tình trạng sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Ngày 26/3, Bộ GTVT đã có công văn phúc đáp, khẳng định mọi vấn đề của tuyến đường sẽ được giải quyết trước ngày cuối cùng của năm 2007.

Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài hơn 3.100 km; điểm đầu là Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau); đi qua địa phận 30 tỉnh, thành phố. Tuyến đường có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế theo tiêu chuẩn đường ôtô cao tốc và đường ôtô thông thường. Tuyến đường Hồ Chí Minh được phát triển với chức năng là hành lang giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia phía Tây của đất nước; là trục phát triển kinh tế và các đô thị, điểm dân cư nông thôn; trục cảnh quan gắn với các di tích văn hoá, lịch sử, danh lam thắng cảnh.

 

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, quá trình thực hiện dự án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, hoàn chỉnh với quy mô hai làn xe từ Hòa Lạc (Hà Tây) đến Tân Cảnh (Kon Tum), kéo dài từ năm 2000 - 2007. Giai đoạn 2 nối thông toàn tuyến và nâng cấp một số đoạn; thời gian thực hiện từ năm 2007 - 2010. Giai đoạn 3 hoàn chỉnh toàn tuyến.

 

Do đường Hồ Chí Minh mới xong giai đoạn 1, lại là tuyến đường đi dọc phía Tây Tổ quốc, chủ yếu bám theo dãy Trường Sơn có địa hình hiểm trở, điều kiện địa chất, thủy văn phức tạp và chịu ảnh hưởng của nạn chặt phá rừng nên việc sạt lở vào mùa mưa lũ là khó tránh khỏi. Phải đợi đến khi giai đoạn 3 hoàn thành, tình trạng này sẽ được xử lý triệt để.

 

Trong quá trình thi công, các đơn vị tư vấn thiết kế của Tổng Công ty Tư vấn thiết kế  GTVT, Viện Khoa học công nghệ GTVT đã có các giải pháp xử lý như làm tường chắn chân bằng bê tông xi măng, đá hộc, xây gia cố ốp mái ta luy bằng đá hộc,…

 

Lực lượng tư vấn giám sát Cu Ba và Việt Nam cũng giám sát chặt chẽ các công đoạn, hạng mục xây lắp và được các đơn vị tư vấn độc lập kiểm định, đánh giá chất lượng công trình đạt yêu cầu thiết kế.

 

Mức độ sạt lở sau mưa lũ từ năm 2002 đến nay đã giảm dần và thời gian tắc đường cũng giảm rất nhiều. (Năm 2002 có 300 điểm sạt lở, năm 2006 chỉ còn 51 điểm).

 

Về kế hoạch thực hiện xử lý các hạng mục bền vững hóa, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh giải quyết những điểm sạt lở từ 31/12/2006 trở về trước. Các điểm phát sinh từ năm 2007 trở đi, Bộ sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam theo dõi xử lý. Toàn bộ công việc sẽ hoàn thành trước 31/12/2007. Riêng các điểm đặc biệt phức tạp có thể phải kéo dài đến năm 2008 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 242/QĐ-TTg ký ngày 15/2/2007.

 

Phúc Hưng