Bộ GTVT "mách nước" TPHCM thí điểm xe buýt mini

Quốc Anh

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị UBND TPHCM rà soát lại tính khả thi, báo cáo Thủ tướng cho thí điểm sử dụng xe buýt từ 12 đến dưới 17 chỗ ngồi (xe buýt mini).

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi UBND TPHCM về đề xuất sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 đến dưới 17 chỗ để hoạt động trên các tuyến xe buýt đảm bảo phù hợp với hạ tầng thành phố.

Bộ GTVT mách nước TPHCM thí điểm xe buýt mini - 1

Xe buýt điện 12 chỗ ngồi phục vụ khách tham quan khu vực trung tâm TPHCM.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị TPHCM rà soát tính khả thi để trình Thủ tướng xem xét cho phép thí điểm thực hiện. Trong đó, đánh giá hiệu quả của các tuyến xe buýt hiện có (bao gồm cả tuyến xe buýt đang sử dụng xe dưới 17 chỗ đã thực hiện). Chi tiết lộ trình các tuyến xe buýt đề xuất thí điểm sử dụng xe ô tô có sức chứa từ 12 chỗ đến dưới 17 chỗ.

Đảm bảo đúng tính chất phục vụ người dân từ các khu dân cư đường hẹp ra đường rộng để kết nối mạng tuyến xe buýt hiện tại và tuyến đường sắt đô thị đang hoàn thiện đưa vào khai thác trong thời gian tới. Số lượng phương tiện tham gia đề án và thời gian thí điểm.

Việc thí điểm phải đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 10/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô (trừ điểm C khoản 2 Điều 5 Nghị định 10/2020).

Trước đó, hồi giữa năm 2020, Sở GTVT TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho thí điểm đề án tổ chức dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có sức chứa nhỏ tích hợp ứng dụng công nghệ. 

Bộ GTVT mách nước TPHCM thí điểm xe buýt mini - 2

Từ năm 2017, TPHCM thí điểm 3 tuyến xe buýt điện, trong đó 1 tuyến chạy trung tâm TPHCM (Thảo Cầm Viên - Công viên 23/9) và 2 tuyến ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Phương tiện là ô tô dưới 17 chỗ, không có chỗ đứng, giá vé 30.000-40.000 đồng trong giờ cao điểm và 10.000-30.000 đồng giờ thấp điểm. Dự kiến, 6 tuyến xe buýt mini được thí điểm hoạt động giữa các khu đô thị mới, kết nối với trung tâm thành phố.

Hành khách sẽ cài phần mềm trên điện thoại di động để chọn giờ đi, đặt ghế ngồi và thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng, thẻ ATM nội địa và ví điện tử). Xe buýt chỉ dừng lại đón tại trạm khi khách đặt ứng dụng trước để tiết kiệm thời gian cho lộ trình.

Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Bộ GTVT bác với lý do không phù hợp quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008, Nghị định 10/2020 của Chính phủ, Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT (quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ).

Sau đó, tháng 2/2021, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TPHCM được triển khai phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ từ 12 đến dưới 17 chỗ.

Theo UBND TPHCM, trong tổng số 4.938 tuyến đường trên địa bàn thành phố, có tới khoảng 3.450 tuyến đường có bề rộng lòng đường nhỏ hơn 7m với chiều dài 2.544km, tương đương 55,5% tuyến đường hiện nay.

Việc phát triển loại hình xe buýt cỡ nhỏ nhằm mở rộng phạm vi phục vụ, đảm bảo mật độ bao phủ của mạng lưới vận tải hành khách công cộng đạt tiêu chí trong phạm vi 500m người dân có thể tiếp cận sử dụng xe buýt là phù hợp.

TPHCM có gần 128 tuyến xe buýt đang hoạt động, trong đó có 91 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không có trợ giá. Thời gian gần đây số lượng tuyến xe buýt có xu hướng giảm do rà soát sắp xếp lại mạng lưới tuyến cho phù hợp, giảm trùng lắp và tăng độ bao phủ. Thậm chí, nhiều tuyến xe buýt cũng bị "khai tử" vì ế khách. Để duy trì hoạt động hệ thống xe buýt, mỗi năm ngân sách thành phố bố trí kinh phí trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng.