Bộ GTVT đề nghị Tiền Giang tự quyết phí BOT Trung Lương - Mỹ Thuận
(Dân trí) - Theo Bộ GTVT, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền nên việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của địa phương này.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Tiền Giang liên quan đến giá dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo Bộ GTVT, Nghị định số 149/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm định giá.
UBND tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh; dịch vụ sử dụng đò, phà được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, do địa phương quản lý; dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ, dịch vụ trông giữ xe được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước; dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bộ GTVT cho rằng, thẩm quyền UBND tỉnh quy định giá dịch vụ sử dụng đường bộ do địa phương quản lý các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh. Căn cứ Luật Giá, trong phạm vi thẩm quyền Bộ GTVT đã ban hành các Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 và Thông tư số 28/2021/TT-BGTVT ngày 30/11/2021 quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh do Bộ GTVT quản lý.
"Mức giá cụ thể cho dịch vụ sử dụng đường bộ đối với từng dự án áp dụng cho từng loại phương tiện được cơ quan có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thống nhất tại hợp đồng dự án trên nguyên tắc khi thực hiện thu không vượt mức giá tối đa đối với nhóm phương tiện quy định tại Điều 6 của Thông tư này" - văn bản của Bộ GTVT dẫn Thông tư 28/2021/TT-BGTVT.
Về nguyên tắc, giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án được các bên xác định và thống nhất tại hợp đồng dự án; việc xác định mức giá phải phù hợp với quy định của pháp luật về giá. Tại thời điểm thực hiện thu, giá dịch vụ sử dụng đường bộ không vượt quá mức giá tối đa được cơ quan có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật Giá.
"Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan có thẩm quyền, nên việc xác định giá dịch vụ sử dụng đường bộ thuộc thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang. Đề nghị UBND tỉnh Tiền Giang căn cứ quy định của pháp luật về giá, quy định của hợp đồng dự án và các quy định khác có liên quan, đồng thời tham khảo thêm giá ở các dự án đường bộ cao tốc có tính chất tương đồng để quyết định và tổ chức thực hiện việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phù hợp, tuân thủ quy định pháp luật hiện hành" - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 26/7, UBND tỉnh Tiền Giang có công văn gửi Bộ GTVT xin ý kiến về phương án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT xem xét, cho ý kiến đối với phương án giá dịch vụ để địa phương có cơ sở cho thu giá án giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.
Từ ngày 1/8, tất cả các tuyến cao tốc trên toàn quốc thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đến nay Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chưa nhận được ý kiến chính thức từ UBND tỉnh Tiền Giang về thời gian thu phí cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, vì vậy tuyến cao tốc này chưa thể kích hoạt hệ thống thu phí ETC, gây nhiều khó khăn cho nhà đầu tư.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khánh thành ngày 30/4/2022. Đến nay, tổng lưu lượng xe lưu thông ghi nhận trên tuyến lên tới gần 800.000 lượt, trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm.
Trong dự toán phương án tài chính ban đầu, mức thu phí sử dụng đường bộ tại cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được chia theo 5 nhóm xe. Mức thấp nhất là 2.100 đồng/km, tương 110.000 đồng cho cả tuyến 51 km; nhóm chịu phí đắt nhất là xe tải 18 tấn trở lên với mức giá 8.400 đồng/km, tương đương khoảng 430.000 đồng cho cả tuyến.
Lộ trình tăng giá được tỉnh Tiền Giang duyệt là 3 năm doanh nghiệp thực hiện cao tốc được tăng giá vé lên 15% trong suốt vòng đời của dự án. Tuy nhiên, trên thực tế, phải khi dự án hoàn thành, nghiệm thu thì mới có thể tính toán và xác định mức thu, giá vé cụ thể.