1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sách giáo khoa vẫn còn lỗi, sạn

Quang Phong

(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn lỗi, sạn, gây ra dư luận không tốt. Trong đó, có tình trạng sách có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn vừa báo cáo Quốc hội việc thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Những vấn đề được đại biểu quan tâm trong kỳ họp đó là chất lượng biên soạn, thẩm định sách giáo khoa và hiệu quả của việc học tập trực tuyến đối với các nhóm học sinh, sinh viên, nhất là bậc tiểu học.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2022, các tổ chức, cá nhân tiếp tục tham gia biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa theo quy định. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thẩm định, phê duyệt cho phép sử dụng 40 bản mẫu sách giáo khoa lớp 7; 60 bản mẫu sách giáo khoa lớp 10; 43 bản mẫu sách giáo khoa lớp 3…

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Sách giáo khoa vẫn còn lỗi, sạn - 1

Các bài học trong Bộ sách Cánh Diều từng gây dư luận không tốt.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định. Bên cạnh đó, thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa cũng đã được lựa chọn chặt chẽ hơn.

Tuy vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận một số bộ sách giáo khoa ban hành vẫn còn lỗi, sạn, gây ra dư luận không tốt. Cụ thể, khi ban hành sách giáo khoa, còn tình trạng sách vẫn có một số ngữ liệu học âm, học vần chưa thật phù hợp với học sinh lớp 1; một số nội dung, ngữ liệu, hình ảnh chưa phù hợp, cần chỉnh sửa, hoàn thiện trong các sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thời gian tới, ngành này sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm sách của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định đảm bảo chủ động về tiến độ chuẩn bị sách theo đúng lộ trình; lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách.

Qua khảo sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ rõ những khó khăn của cả giáo viên và học sinh khi tham gia học tập trực tuyến. Trong đó, khó khăn khó khăn nhiều nhất mà các trường gặp phải là thiếu thiết bị cho dạy học trực tuyến (31,6%) và thiếu sự hỗ trợ kịp thời từ các tổ chức, ban ngành (29,4%).

Xét theo cấp học cho thấy, nhà trường tiểu học gặp khó khăn hơn so với các trường THCS và THPT về tài liệu, thiết bị dạy học và kỹ năng sư phạm trong dạy học trực tuyến của giáo viên. Đặc biệt, các trường tiểu học ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn về chính sách khuyến khích, động viên đối với giáo viên trong dạy học trực tuyến.

Ngoài ra, kết quả khảo sát đối với học sinh cho thấy, có 45% học sinh gặp vấn đề sức khỏe khi học trực tuyến như mỏi mắt, đau cổ, ù tai… "Các giáo viên cho rằng học tập trực tuyến có ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tâm lý, tình cảm, khả năng phát triển các kỹ năng xã hội của học sinh là khá cao từ 62 - 77%, với mức độ ảnh hưởng tăng dần từ cấp Tiểu học lên đến THPT", báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, giáo viên ở các cấp học đều cho rằng dạy học trực tuyến chỉ tương đối hiệu quả đối với học sinh (tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT đồng ý với mức độ này lần lượt là 64,4%; 65,5%; 65,1%). Trong khi tỷ lệ giáo viên các cấp tiểu học, THCS, THPT cho rằng dạy học trực tuyến không hiệu quả lần lượt là 20,9%; 19,8% và 21,2%.