Bộ Giáo dục cần đổi mới, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn lịch sử

Quang Phong

(Dân trí) - Cơ quan của Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định lịch sử là môn học bắt buộc ở THPT, đồng thời đổi mới phương pháp dạy để truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn học này.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với môn lịch sử cấp trung học phổ thông.

Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiều ý kiến băn khoăn với quy định lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn; cho rằng quy định này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử dân tộc cho học sinh.

Qua xem xét báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006, chương trình môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều điểm mới.

Bộ Giáo dục cần đổi mới, truyền cảm hứng để học sinh yêu thích môn lịch sử - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Quốc Chính).

Cụ thể, chương trình môn lịch sử ở bậc trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) được thiết kế theo hệ thống các chủ đề, chuyên đề học tập, giúp học sinh hình thành, phát triển tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, kết quả tổng hợp kiến nghị của cử tri, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo cho thấy, đa số các ý kiến không đồng tình với việc đưa môn lịch sử cấp trung học phổ thông thành môn lựa chọn.

Các ý kiến cho rằng đây là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng đối với thế hệ trẻ; giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử…

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, nếu xét về tâm sinh lý lứa tuổi, học sinh trung học phổ thông (từ 15 đến 17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, khả năng tiếp nhận tốt hơn về lịch sử đất nước và lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ những phân tích trên, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến lịch sử là môn học bắt buộc, xây dựng chương trình với khối lượng kiến thức phù hợp.

Ủy ban cũng đề nghị Bộ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và cách thức thi môn lịch sử; truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn học này.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn học lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và trung học cơ sở) và là môn lựa chọn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông), được thiết kế theo hướng chuyên sâu.

Ở cấp trung học phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12), ngoài các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được chọn 5 môn học tự chọn từ 3 nhóm môn (Nhóm môn khoa học xã hội: Lịch sử, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Nhóm môn khoa học tự nhiên: Vật lí, Hóa học, Sinh học; Nhóm môn công nghệ và nghệ thuật: Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Trong đó, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học và các chuyên đề học tập lựa chọn. 

Khi môn lịch sử cấp trung học phổ thông là môn học lựa chọn, sẽ có 3 khả năng xảy ra.

- Nếu học sinh lựa chọn học môn lịch sử: Học tổng thời lượng 210 tiết/3 năm học (tăng 70 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006). 

- Nếu học sinh lựa chọn học môn lịch sử và lựa chọn chuyên đề học tập là môn lịch sử: Học tổng thời lượng 315 tiết/3 năm học (tăng 175 tiết so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006).

- Nếu học sinh không lựa chọn học môn lịch sử: Không học thêm tiết nào. Kiến thức phổ thông dừng lại ở chương trình tiểu học, trung học cơ sở và tích hợp ở một số môn học khác. Thời lượng học ít hơn Chương trình giáo dục phổ thông 2006 là 140 tiết.