1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bộ"... đường sắt: Hình ảnh trì trệ trong mắt người dân!

(Dân trí) - Ra đời đã hơn 100 năm nhưng cho đến nay đường sắt vẫn thiếu đồng bộ và thiếu tiêu chuẩn. Đường sắt độc quyền, trì trệ và cứ như thể "ta chẳng cần ai". Ngành không thể hiện mình là một doanh nghiệp mà dường như nghĩ bản thân là “Bộ đường sắt”!?

Lãnh đạo chơi golf, kinh doanh thua lỗ, công nhân thất nghiệp

Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) có chiều dài gần 2.700km (chưa kể 461km đường ga và đường nhánh). Kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước đầu tư kinh phí để quản lý và bảo trì, còn các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt chi trả phí sử dụng kết cấu hạ tầng.

Xưa nay, ngành này vẫn được xem là có vai trò chủ đạo trong hoạt động giao thông vận tải (GTVT) quốc gia. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh và năng lực vận tải của đường sắt lại kém nhất so với các loại hình vận tải khác và đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Mặc dù có rất nhiều ưu tiên và lợi thế dành cho ngành đường sắt nhưng ngành này lại không thể tận dụng và phát huy có hiệu quả.

Ngành đường sắt lâu nay vẫn tỏ thái độ độc quyền, bao cấp

Ngành đường sắt lâu nay vẫn tỏ thái độ độc quyền, bao cấp

Bằng chứng là thị phần đường sắt ngày càng có xu hướng bị thu hẹp do sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện cá nhân, các loại hình vận tải khác biết cách “đi trước đón đầu”, đã bứt phá mạnh mẽ trong những năm qua như kinh doanh ô tô, máy bay giá rẻ, vận tải đường biển… Năm 2013, toàn ngành đường sắt đạt doanh thu hơn 11,3 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, ngành hàng không mang lại doanh thu tới hơn 70.000 tỷ đồng. Vậy nên lương trung bình hàng tháng của nhân viên hàng không cao gấp 2 - 3 lần so với thu nhập của nhân viên đường sắt.

Chính lãnh đạo ĐSVN cũng phải thừa nhận, ngành đường sắt đang trong thực trạng lạc hậu về công tác bán vé thủ công, dịch vụ trên tàu còn nghèo nàn, đắt đỏ, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, yếu kém, tàu thường chậm giờ và đặc biệt, giá vé không hề rẻ so với các loại hình vận tải khách hiện nay. Vì thế, hành khách đi tàu đường dài giảm rất mạnh.Cuối năm 2013, do không kham nổi nên ngành đường sắt đã có kế hoạch cắt 5 đôi tàu chợ (tàu dành cho người nghèo) để tránh thua lỗ 900 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên kế hoạch này không được chấp thuận.

Ít ai biết rằng, từ năm 2010 đến nay, mỗi năm có hơn 500 lao động ngành đường sắt phải nghỉ việc, trong đó có nhiều người lao động tay nghề cao. Trong khi đó, đích thân Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã phải lên tiếng cảnh cáo rằng "ngành đường sắt đang rất khó khăn, đang rất nhiều việc phải làm nhưng cán bộ lại dành thời gian đi chơi golf nhiều hơn cả ngành hàng không".

"Thiếu việc làm nên người lao động phải nghỉ, nhiều công nhân cố làm nhưng lương rất thấp, không đảm bảo đời sống. Vậy không hiểu trước khi vác gậy đi chơi môn thể thao của giới thượng lưu thì những người “đứng đầu đứng mỏ” của ngành đường sắt có nghĩ gì về sự khốn khó của người lao động!?" - người đứng đầu ngành GTVT từng đặt câu hỏi.

(ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

(ảnh minh họa: Ngọc Diệp)

Trên thực tế, đường sắt yếu kém và độc quyền đến mức Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nhiều lần phải nhắc nhở gay gắt: “Đừng để người dân nghĩ đến đường sắt là nghĩ đến một hình ảnh trì trệ! Muốn xây dựng một quy trình làm việc hiện đại nhất, khoa học nhất phải xuất phát từ trái tim, từ lương tâm và trách nhiệm”.

"Tội"... độc quyền
 
Có lẽ không cần phải nói nhiều về những trì trệ, lạc hậu và yếu kém trong quản lý, kết quả thua lỗ bi bét trong kinh doanh của ngành đường sắt, bởi đó là những chuyện ai cũng thấy, ai cũng có thể hiểu. Và vấn đề của ngành đường sắt đến nay càng bức xúc hơn khi việc “chia lửa” với đường bộ đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phụ trách quản lý lĩnh vực đường sắt từ năm 2012 đến nay, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông chỉ rõ, đường sắt cắt khúc quá nhiều, không chịu trách nhiệm đến cùng đối với hàng hóa nhận vận tải nên các chủ hàng thấy chán mà tìm cách chuyển sang đường bộ.

“Tôi đi kiểm tra ở ga Yên Viên - Hà Nội mà chỉ thấy có vài cái container lèo tèo, có mặt bằng, có chỗ để bốc xếp nhưng không chịu làm. Vấn đề ở đây là năng lực vận tải, chi phí bốc xếp và phương thức kết nối chứ không phải do hạ tầng như đường sắt. Chuyện hạ tầng sẽ không thể giải quyết ngay được trong một sớm một chiều, nhưng nếu tổ chức lại thì có thể làm được” - Thứ trưởng Đông nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để thay đổi đường sắt, Nhà nước phải quản lý tốt hơn nữa hạ tầng và tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, để khi xã hội hóa thì tư nhân tham gia vào hoạt động vận tải đường sắt và cạnh tranh lành mạnh.

Mỗi năm có hơn 500 người lao động đường sắt thất nghiệp

Mỗi năm có hơn 500 người lao động đường sắt mất việc (ảnh minh họa: Nguyễn Duy)

Đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Đông, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, xã hội hóa đường sắt là một giải pháp tốt. Hiện các đường nhánh từ đường sắt quốc gia vào các cảng, các khu công nghiệp kết nối kém. Vì thế, ngành đường sắt phải đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ để nâng cao năng lực vận tải.

“Không có tiền thì đường sắt phải vay vốn mà đầu tư chứ không thể ngồi chờ vốn ODA hay tiền ngân sách Nhà nước rót xuống” - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Châu Như Quỳnh