Bò dự án vừa cấp cho dân đã đổ bệnh
(Dân trí) - Mấy ngày qua, người nông dân Khmer ở xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) rất hoang mang vì bò họ mới được nhận từ dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất (chương trình 135), chưa kịp nuôi đã “dính” dịch lở mồm long móng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Phú Mỹ, cho biết: Ngày 12/9, UBND xã Phú Mỹ tiếp nhận 62 con bò vàng loại nuôi lấy thịt để cấp cho 62 hộ nông dân Khmer nghèo của xã. Số bò này thuộc chương trình dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của chương trình 135.
Số bò này được UBND xã cử người lên mua tận huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) với giá 5 triệu đồng mỗi con.
Sau khi tiếp nhận bò xong, UBND xã đã tiến hành giao bò ngay cho bà con. Nhưng chỉ 2 ngày sau (14/9), 3 trong số các hộ dân được nhận bò đến báo cho UBND xã biết bò có hiện tượng bị bệnh lở mồm long móng (LMLM).
Nhận tin báo, cán bộ thú y của xã và huyện xuống kiểm tra và xác nhận 3 con bò đó đúng là bị LMLM. Mấy ngày sau, thêm 14 con nữa phát bệnh, nâng tổng số bò bị bệnh lên 17 con.
Sau khi phát hiện có dịch, cán bộ thú y địa phương tiến hành điều trị cho số bò bị bệnh, xử lý, phun hóa chất chuồng trại, đồng thời báo cho Chi cục Thú y tỉnh và đơn vị cung cấp bò biết để có biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.
Về phía chủ cung cấp bò đã đồng ý chịu toàn bộ chi phí mua thuốc điều trị và hỗ trợ một phần cho những người tham gia điều trị, xử lý dịch bệnh. Theo ông Quang, để có thuốc điều trị và hóa chất xử lý kịp thời, UBND xã phải tạm ứng tiền ngân sách để mua trước, sau này phía chủ bán bò sẽ thanh toán lại.
Theo ông Trần Văn Quang, khi tiếp nhận dự án, xã đã cử một số người có kinh nghiệm lên An Giang mua bò cho bà con. Toàn bộ số bò nói trên là bò trên 1 năm tuổi, được mua từ trang trại của ông Chau Sóc, ấp Ninh Lợi, xã An Tức, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Hồ sơ lưu lại cho thấy bò có nguồn gốc khỏe mạnh, có chứng nhận đã tiêm đủ hai mũi phòng dịch, có phiếu kiểm dịch của Chi cục Thú y tỉnh An Giang cấp và phiếu phúc kiểm của Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng.
Việc mua bán được thể hiện rõ bằng hợp đồng giữa UBND xã Phú Mỹ và ông Chau Sóc. Tuy nhiên, hợp đồng ghi mua bán 64 con mỗi con 3 triệu đồng, nhưng thực tế chỉ có 62 con được giao cho dân và định giá cho người dân là 5 triệu đồng mỗi con.
Lý giải về điều này, ông Quang cho biết: Hợp đồng ghi 64 con nhưng thực tế chỉ còn 62 con nên chúng tôi mua 62 con. Riêng về giá thì mỗi con giá 5 triệu đồng nhưng hợp đồng chỉ ghi 3 triệu đồng/con vì dự án chỉ cho phép mua bò 3 triệu đồng. Phần 2 triệu đồng chênh lệch, các hộ nhận bò phải đóng thêm. Số tiền này đa phần họ phải vay từ ngân hàng.
Chúng tôi ghé nhà anh Trần Thại ở ấp Bưng Cóc (xã Phú Mỹ), anh Thại cho biết: “Nhận bò về bữa trước, bữa sau thấy bệnh nên báo cho xã. Mấy ngày nay thấy bớt nhưng vẫn còn dấu vết nên tui phải lấy nước chanh rửa vết loét để sát trùng”.
Theo cán bộ thú y, đàn bò mua từ An Giang về đã mang mầm bệnh sẵn nên khi đưa về tới Sóc Trăng là phát bệnh ngay. Theo qui định, gia súc mắc dịch LMLM phải được tiêu hủy ngay chứ không để điều trị vì tốc độ lây lan nhanh. Tuy nhiên, xã Phú Mỹ không cho tiêu hủy bò bệnh vì: Dự án hỗ trợ 3 triệu đồng mỗi con bò, người dân phải ứng thêm 2 triệu để nhận bò. Nếu tiêu hủy thì ai trả lại số tiền 2 triệu đó cho dân?
Một nguồn tin khác: Tại xã An Mỹ (huyện Kế Sách) cũng có 40 con bò thuộc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được mua từ An Giang về giao cho người dân, mới được 2 ngày đã có khoảng 5 con bị LMLM. Một cán bộ thú y cho biết: Đáng lẽ khi đưa đàn bò từ nơi khác về phải nuôi ở vùng cách ly để theo dõi ít nhất là 3-4 tuần, nếu không có bệnh mới giao cho dân. Nhưng các địa phương trên không thực hiện đúng quy trình.
Nhiều người dân thắc mắc: Tại sao bò có đầy đủ giấy tờ kiểm dịch của ngành thú y từ An Giang cho tới Sóc Trăng mà vẫn dính dịch? Liệu những giấy tờ đó có khuất tất? Một số người dân còn cho rằng rất có thể số bò trên được mua từ bên kia biên giới mang về Việt Nam.
B.D