1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bến Tre:

Bộ đội chở nước ngọt phục vụ người dân vùng hạn, mặn

(Dân trí) - Từ ngày 24/3, tàu chở nước ngọt của Bộ tư lệnh Quân khu 9 đã đến 2 xã An Hiệp (huyện Ba Tri, Bến Tre) và xã Bình Thới (huyện Bình Đại, Bến Tre) để cấp nước ngọt miễn phí cho cho người dân ở vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt.

Nghe thông tin tàu chở nước ngọt về hỗ trợ người dân, nhiều hộ dân ở xã An Hiệp (Ba Tri, Bến Tre) đã tập trung tại bến sông để chở nước về sử dụng. Mặc dù đến 18 giờ tối tàu mới tới nơi nhưng người dân vẫn đợi và vui mừng mang những can nhựa đến lấy nước.

Ông Nguyễn Văn Tâm, ngụ ấp 3, xã An Hiệp cho biết: “Hơn 1 tháng nay gia đình phải mua nước giếng với gia cao về để sử dụng vì toàn bộ nước ngoài kênh đã bị nhiễm mặn. Riêng mấy con bò cho uống nước mặn bị tiêu chảy rất tội nên phải lấy nước ngọt pha với nước sông nhằm giảm độ mặn mới cho uống. Bây giờ mấy chú bộ đội đến đây cung cấp nước miễn phí nên bà con ai cũng vui mừng”.

Lực lượng bộ đội đưa nước ngọt về xã An Hiệp để phục vụ cho người dân
Lực lượng bộ đội đưa nước ngọt về xã An Hiệp để phục vụ cho người dân

Theo ông Tâm, trước đây sau Tết Nguyên đán, nước mặn xâm nhập vào vài bữa rồi ngọt trở lại nhưng năm nay mặn luôn từ trước Tết nên không ai đề phòng, trữ nước ngọt. Khô hạn, xâm nhập mặn gay gắt, người dân khoan giếng tại các giồng cát để lấy nước ngọt nên dần cũng cạn kiệt.

Bà Nguyễn Thị Quyên mang 2 can nhựa đến bến sông để xin nước ngọt về sử dụng, vui mừng cho biết: “Người nghèo không có tiền nên đành sử dụng nước mặn tắm rất ngứa. Bây giờ có được nguồn nước ngọt xài miễn phí ai cũng tranh thủ đến đây xin đem về nhà sử dụng”.


Người già, trẻ nhỏ đều vui mừng háo hức khi có nước ngọt sử dụng miễn phí.

Người già, trẻ nhỏ đều vui mừng háo hức khi có nước ngọt sử dụng miễn phí.

Tại xã Bình Thới cũng có đông người dân đến xin nước ngọt về sử dụng, những hộ neo đơn, người già được lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ ở địa phương chở nước đến tận nhà. Mấy tháng nay người dân xã Bình Thới phải sử dụng nước sông bị nhiễm mặn, gia đình nào khá giả thì mua nước giếng tầng nông nhưng với giá hơn 70 ngàn đồng/m3.

Ông Nguyễn Văn Tèo, ngụ ấp 4 xã Bình Thới cho biết: “Mấy tháng nay nhiều gia đình chấp nhận sử dụng nước nhiễm mặn vì mua nước ngọt giá quá đắt. Ở ngoài sông có độ mặn trên 10 phần ngàn nên nhiều gia đình mua can nhựa qua bên kia huyện lộ 16 (nơi vùng ngọt hóa của sông Ba Lai – PV) để lấy nước nhưng độ mặn cũng hơn 4 phần ngàn. Tôi mới nghe có chiếc tàu của bộ đội chở nước về phục vụ người dân, vừa hỏi thăm thì biết đã hết nước và sắp tới không biết có về đây phục vụ nữa hay không. Hy vọng rằng có nhiều chiếc tàu chở nước ngọt đến phục vụ để người dân vùng hạn, mặn bớt khổ”.

Người dân xã An Hiệp mang can nhựa đến xin nước ngọt về sử dụng
Người dân xã An Hiệp mang can nhựa đến xin nước ngọt về sử dụng

Ông Lê Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã An Hiệp cho biết: “Toàn xã xuống giống 750 ha lúa đông xuân thì gần như mất trắng, số ít còn lại được người dân cầm cự nhằm lấy rơm nuôi bò. Nước mặn giờ đã hơn 4 phần ngàn nên người dân bị thiếu nước ngọt sử dụng trầm trọng. Hiện đàn bò 6.000 con vừa thiếu thức ăn vừa thiếu nước uống . Bây giờ có tàu của bộ đội Quân khu 9 chở nước về hỗ trợ nhân dân là niềm vui lớn của chính quyền xã và bà con vì bà con có được nước ngọt để sinh hoạt, giảm bớt khó khăn trong mùa hạn mặn”.

Lực lượng dân quân, bộ đội tại xã Bình Thới chuẩn bị chở nước đến tận nhà phục vụ người dân
Lực lượng dân quân, bộ đội tại xã Bình Thới chuẩn bị chở nước đến tận nhà phục vụ người dân

Thượng tá Hà Đình Phượng, Phó Phòng vận tải Quân khu 9 cho biết: “Tàu chở nước là do Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức cho bộ đội chở nước tại nhà máy nước BOO Đồng Tâm (Tiền Giang) đến hỗ trợ cho người dân ở một số xã khó khăn, bị ảnh hưởng nhiều do hạn mặn trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Nguồn nước này nhằm giúp cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, người dân địa phương có nguồn nước sử dụng trong mùa hạn, mặn”.

Long An: Mấy chục năm nay mới thấy hạn cỡ này!

Ghi nhận tại huyện Thủ Thừa (Long An), nơi có khoảng 3.800ha lúa bị ảnh hưởng do hạn, mặn, đời sống người dân nơi đây đã nghèo khổ nay còn gian nan hơn. Nhiều người nông dân thiệt hại cả trăm triệu đồng vì toàn bộ diện tích lúa bị ngập mặn.

Bà Nguyễn Thị Út (55 tuổi ngụ xã Bình An) ngậm ngùi cho biết: “Gia đình tôi đi vay hơn 10 triệu mua lúa giống để trồng cho vụ mùa này. Tính cả tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu và công chăm sóc là nợ người ta cũng gần 20 triệu. Nay toàn diện tích gần 1 héc ta bị thiếu nước cháy rụi. Lúa giờ chỉ có cắt rồi đập được hạt nào cho gà vịt ăn đỡ, còn lại chỉ biết cho trâu bò ăn. Ruộng đồng cháy đỏ hết, kênh thì khô cạn, có nước cũng không dám bơm vì nhiễm mặn. Coi như vụ này nhà tôi mất trắng, giờ chỉ biết cầu trời cho nước nhanh hết mặn để mùa sau còn làm ăn trả nợ chứ cứ kéo dài như thế này cả nhà tôi chết đói hết”.

Sau khi đi dạo một vòng quanh 7 công ruộng lúa của gia đình bị cháy rụi, anh Đinh Văn Thủy (ngụ xã Thị Thành) vừa khóc vừa cho biết: “Mùa này mất trắng hết rồi, 10 công lúa xuống giống mất hết gần 20 triệu đồng, mọi năm xong vụ thu hoạch mỗi công cũng được gần 5 triệu. Mùa trước đã đổ được phần móng và trụ, dự định mùa này xây cái nhà tường cho xấp nhỏ. Vậy mà xuống giống xong thì thiếu nước, rồi nước miễn mặn giờ coi như lỗ hết vốn. Bây giờ gia đình tôi không biết phải sống làm sao?”.

Anh Thủy thẫn thờ bên ruộng lúa gần 7 công bị cháy rụi do ngập mặn
Anh Thủy thẫn thờ bên ruộng lúa gần 7 công bị cháy rụi do ngập mặn

Cũng giống như gia đình anh Thủy, gia đình bà Trương Thị Hòa cũng bị mất trắng hơn 7 công lúa vì nước ngậm mặn. “Lúc mới xuống giống vụ này đã thiếu nước, mọi người hùn nhau đóng góp gần 10 triệu để mua dầu chạy máy bơm nước từ sông Cầu Ván vào ruộng. Ai ngờ nước nhiễm mặn càng làm cho diện tích lúa thiếu nước bị cháy rụi nhanh hơn. Mới bơm vào thì hôm sau lúa đã cháy đỏ vì nhiễm mặn. Vậy là bỏ thí cho trời, giờ chỉ biết cầu trời. Nhưng càng cầu trời thì trời càng hạn, mấy chục năm nay mới thấy hạn cỡ này. Ruộng đồng cháy đỏ, đất đai nứt nẻ, đỏ vì mặn. Lúa bây giờ chỉ có cắt đập vớt vát cho gà vịt, còn rơm thì cho trâu bò ăn”, bà Hòa buồn bã chia sẻ.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn, mặn là 8.650ha. Với tình hình nắng hạn kéo dài như hiện nay, dự báo khi nước mặn xâm nhập sâu theo sông Vàm Cỏ Tây khoảng 150km và sông Vàm Cỏ Đông khoảng 120km thì sẽ có thêm 9.230ha lúa bị thiệt hại từ 30-50% và 11.770ha bị thiếu nước.

Không chỉ những người dân ở huyện Thủ Thừa gặp khó khăn, tại các huyện khác như Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc cũng hàng ngàn hộ dân cũng lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”. Từ trước đến nay ruộng lúa là nguồn thu nhập chính của người nông dân ở Long An nhưng nay đều bị cháy sạch. Trước tình hình đó, nhiều hộ dân đã tính đến con đường bỏ ruộng lúa lên thành phố để kiếm kế sinh nhai.

Khoảng 8.650héc ta lúa ở Long An bị ảnh hưởng của ngập mặn khiến đời sống của người dân đứng trước cảnh màn trời chiếu đất
Khoảng 8.650héc ta lúa ở Long An bị ảnh hưởng của ngập mặn khiến đời sống của người dân đứng trước cảnh màn trời chiếu đất

Anh Nguyễn Tiến (ngụ huyện Cần Đước) cho hay: “Gần 2 héc ta lúa của gia đình tôi được đánh giá thiệt hại gần 90%. Theo thông tin của UBND tỉnh thì sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/ ha. Số tiền hỗ trợ không đủ 1 phần mua giống chứ chưa nói đến mua phân, thuốc trừ sâu. Đất ở đây chỉ trồng được lúa, không trồng được cây gì khác, tình hình này chắc phải bỏ xứ mà đi quá. Ở xã tôi nhiều người đã bỏ lên thành phố xin vào các công ty để làm. Vài bữa nữa chắc tôi cũng xin đi phụ hồ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình chứ trông vào lúa kiểu này chắc cả gia đình chết đói hết”.

Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, thông tin: “Tình hình hạn, mặn trên địa bàn còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung công tác chống hạn, mặn, đi kiểm tra thực tế thường xuyên để nắm tình hình. Ngoài ra, sở còn tham mưu các giải pháp cho tỉnh nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn, mặn và hỗ trợ cho người dân, tạo điều kiện tái sản xuất”.

Minh Giang - Xuân Hinh