1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an thông tin về sinh trắc học ADN, giọng nói của người dân

Hải Nam

(Dân trí) - Hội thảo quốc gia lần thứ nhất phục vụ triển khai Luật Căn cước do Cục C06 tổ chức sẽ đánh giá về các nội dung mới của Luật Căn cước, trong đó có bổ sung thông tin sinh trắc học ADN, mống mắt...

Ngày 6/2, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ nhất phục vụ triển khai Luật Căn cước.

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết, Luật Căn cước được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023 và có hiệu lực từ ngày 1/7, trong đó có các quy định mới liên quan đến bổ sung thông tin sinh trắc học ADN, mống mắt, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Theo Thượng tướng Ngọc, quá trình triển khai 3 hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư, hệ thống sản xuất, cấp CCCD và hệ thống định danh xác thực điện tử đã có những bước đi cơ bản, đúng và trúng với tình hình thực tiễn tại Việt Nam cũng như xu hướng quốc tế.

Bộ Công an thông tin về sinh trắc học ADN, giọng nói của người dân - 1

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc (Ảnh: Phạm Kiên).

"Việc triển khai các tiện ích công nghệ cho người dân đã được thực hiện đồng bộ xuyên suốt với các ứng dụng, xác thực về sinh trắc, các tiện ích về chip trên thẻ căn cước, về định danh điện tử, đã thành công trong việc giảm và rút gọn các thủ tục hành chính và thân thiện với người dân", Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.

Nói về cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN, mống mắt, giọng nói, Thượng tướng Ngọc "điểm danh" những nước tiên tiến trên thế giới đã và đang triển khai thực hiện hệ thống này nhằm quản lý dân cư và đấu tranh phòng chống tội phạm, thiên tai thảm họa, tìm kiếm tung tích nạn nhân.

"Việc triển khai của Việt Nam chúng ta đã từng bước tiếp cận, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn như tính pháp lý, hạ tầng công tầng công nghệ thông tin", Thứ trưởng Ngọc phát biểu.

Bộ Công an thông tin về sinh trắc học ADN, giọng nói của người dân - 2

Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Phạm Kiên).

Từ những yếu tố trên, Bộ Công an đã giao Cục C06 chủ trì, phối hợp Viện Khoa học công nghệ, Cục Kỹ thuật hình sự tổ chức Hội thảo quốc gia lần thứ nhất phục vụ triển khai Luật Căn cước và đặt mục tiêu đây sẽ là nơi để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia trong lĩnh vực chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến công nghệ sinh trắc học, xu hướng và ứng dụng.

Luật Căn cước số 26/2023/QH15 có nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân số 25/2014/QH13, trong đó bổ sung thêm thông tin sinh trắc học ADN, giọng nói và mống mắt.

Cụ thể, điểm d, khoản 1 Điều 16 nêu: Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh và cơ sở dữ liệu căn cước.