1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Công an nói về tính chính xác của tài khoản ngân hàng, chứng khoán

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Tài khoản ngân hàng, viễn thông, chứng khoán,… chưa được xác thực với hệ thống dữ liệu thông tin gốc, đối sánh với dữ liệu sinh trắc học nên không thể khẳng định tính chính xác và duy nhất.

Hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, tính chính xác, bảo mật an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch khác trên môi trường điện tử. Việc định danh và xác thực điện tử còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch trên môi trường điện tử nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội giao Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư là đơn vị chủ trì, trực tiếp tham mưu và phối hợp với các đơn vị có liên quan để xây dựng hồ sơ Nghị định về định danh và xác thực điện tử.

Để có cái nhìn khách quan, toàn diện và đảm bảo tính khả thi khi Nghị định được triển khai thực hiện, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư tổ chức hội thảo với các chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trong lĩnh vực định danh và xác thực điện tử để tham vấn ý kiến, thống nhất một số nội dung, quan điểm để bảo đảm tính khách quan, thuận lợi trong thực tế triển khai thực hiện.

Bộ Công an nói về tính chính xác của tài khoản ngân hàng, chứng khoán - 1

Quang cảnh cuộc hội thảo. (Ảnh: CTV).

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh: Dự thảo Nghị định điều chỉnh đối với các tài khoản định danh do Bộ Công an cấp để bảo đảm tính chính xác thông tin, khẳng định chủ thể danh tính điện tử là duy nhất, vì Bộ Công an là đơn vị đang quản lý hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu Căn cước công dân có thông tin sinh trắc học (vân tay, ảnh chân dung) của công dân Việt Nam, thông tin người nước ngoài trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Việc định danh cho tổ chức sẽ được đảm bảo tính chính xác thông qua việc kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Mô hình định danh và xác thực điện tử được xác định là mô hình tập trung, các tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an cấp theo quy định như tại dự thảo Nghị định này được coi là "tài khoản định danh điện tử quốc gia", bảo đảm tính chính xác thông tin về danh tính điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử.

Các tài khoản định danh khác do các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác tự tạo lập cho người dân như các tài khoản ngân hàng, viễn thông, chứng khoán, trang thương mại điện tử… là những tài khoản chưa được xác thực với hệ thống dữ liệu thông tin gốc, đối sánh với dữ liệu sinh trắc học nên không thể khẳng định tính chính xác và duy nhất, đây được xem tài các "tài khoản người dùng" để thực hiện các giao dịch dân sự do sự thống nhất giữa các bên.

Việc xác thực các tài khoản được tạo lập tại khu vực tư nhân với hệ thống định danh và xác thực điện tử được thực hiện thông qua các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử khi các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu cần xác thực.

Về giá trị sử dụng của tài khoản định danh và xác thực điện tử: Nội dung dự thảo quy định tài khoản định danh điện tử có 2 mức độ, trong đó tài khoản định danh điện tử mức độ 2 có giá trị sử dụng như thẻ Căn cước công dân (đối với công dân Việt Nam), hộ chiếu (đối với người nước ngoài), xác nhận chủ thể đang tiến hành giao dịch trên môi trường điện tử.

Để triển khai thực hiện định danh và xác thực điện tử thì cần xây dựng nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc trao đổi thông tin giữa hệ thống định danh và xác thực điện tử với khách hàng sử dụng dịch vụ, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, chủ thể danh tính điện tử.

Đối với dịch vụ định danh và xác thực điện tử, cần phát triển các hoạt động như tiếp nhận yêu cầu đăng ký tài khoản, hoạt động xác thực thông tin, chủ thể danh tính điện tử, hoạt động chia sẻ, cung cấp thông tin về danh tính điện tử và thông tin tích hợp khi được sự đồng ý của chủ thể danh tính điện tử thông qua nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử.

Còn đối với việc quy định mã định danh của tổ chức: Tận dụng các mã định danh đã có, đó chính là mã định danh điện tử của cơ quan, tổ chức hiện đang được sử dụng, là mã số thuế đối với các tổ chức không có mã định danh điện tử, trường hợp chưa có mã định danh điện tử, mã số thuế thì mã định danh điện tử của tổ chức là dãy số tự nhiên do hệ thống định danh và xác thực điện tử xác lập. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, tránh gây xáo trộn, thay đổi trong quá trình hoạt động, bảo đảm tính kế thừa, tiết kiệm, đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Kết thúc buổi hội thảo, các nhà chuyên gia, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp mong muốn dự thảo Nghị định sẽ sớm được Chính phủ ký, ban hành và đi vào thực tiễn để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng thành công Chính phủ số, công dân số, xã hội số trong tương lai không xa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm