1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Công an lên tiếng về đề xuất mỗi người chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (20/1), Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) - khẳng định, Bộ Công an chưa chính thức có ý kiến về việc mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe, bởi việc này đã được nhiều nước áp dụng nhưng phải có đánh giá, tính toán kỹ lưỡng.

Đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu 1 biển số xe nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đang tạo ra dư luận trái chiều.
Đề xuất mỗi công dân chỉ sở hữu 1 biển số xe nhằm hạn chế phương tiện cá nhân đang tạo ra dư luận trái chiều.

Theo Thiếu tướng Trần Thế Quân, đề xuất quy định mỗi công dân được đăng ký 1 biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó được Trưởng Phòng CSGT Hà Nội Đào Vịnh Thắng đưa ra ngày 19/1 đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện.

“Tôi cho rằng cái đó cũng rất tốt, khi người dân mua xe khác vẫn được sử dụng chiếc biển số đó, CSGT sẽ nắm được thông tin về chủ sở hữu phương tiện tốt hơn. Cũng giống như việc sở hữu sim điện thoại, dù thay bao nhiêu điện thoại thì vẫn dùng một chiếc sim đó thôi”- ông Quân nói.

“Chủ phương tiện đăng ký được số biển đẹp nhưng khi đổi xe phải đổi cả biển thì sẽ tiếc. Nước ngoài họ đã lựa chọn áp dụng thì chắc chắn họ đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng và có sự đánh giá đầy đủ. Như ở Mỹ, người ta đăng ký luôn tên của chủ phương tiện lên biển đăng ký xe” - Thiếu tướng Quân phân tích.

Tuy vậy, Tướng Quân cho rằng việc này phải có đánh giá tác động, tính toán kỹ lưỡng về điều kiện, nguồn lực có đáp ứng được yêu cầu trong việc thay đổi, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu, quản lý. Cùng đó, cần tính toán chi phí mất bao nhiêu để thay đổi hệ thống quản lý và đăng ký phương tiện hiện tại, tính toán giải pháp đối với những xe đã đăng ký trước đây ra sao. Vấn đề này Cục Cảnh sát giao thông nên có những nghiên cứu và đánh giá tác động cụ thể.

“Bộ Công an chưa có ý kiến chính thức về vấn đề đó, nhưng theo hướng chung thì có ích lợi tốt thì ủng hộ, đương nhiên sẽ có những chuyện phát sinh cần phải tính toán kỹ lưỡng”- ông Quân nói.


Nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số là vi phạm quyền sở hữu tài sản

Nhiều ý kiến cho rằng nếu quy định mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số là vi phạm quyền sở hữu tài sản

Hạn chế quyền công dân?

Trong khi đó, luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng luật An Phát Phạm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng người đưa ra đề xuất “mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô” chưa có sự nghiên cứu kỹ lưỡng về các trường hợp được hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Hiến pháp 2013 quy định quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Mọi người có quyền sở hữu về tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất. Hiến pháp cũng quy định “quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Bộ luật dân sự năm 2015 cũng khẳng định: Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Như vậy, nếu không chứng minh hay thuyết phục được rằng một công dân sở hữu nhiều hơn 1 xe ô tô sẽ làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng thì sẽ là vi hiến khi đưa ra quy định “mỗi công dân chỉ được cấp 1 biển số xe ô tô”.

“Nếu cứ nhắm mắt mà ban hành quy định ấy bằng mọi giá thì cũng có thể nhìn thấy trước là quy định ấy không khả thi bởi không khó để một người vẫn có thể có hơn 1 xe ô tô bằng cách thông qua các giao dịch dân sự hợp pháp mà bản chất là mua “quota” cũng người khác”- luật sư Phất phân tích.

Ông Phất lấy ví dụ, một người đã sở hữu 1 xe ô tô nhưng tiếp tục đầu tư mua xe ô tô thứ hai nhưng nhờ người khác đứng tên (sử dụng biển số của người khác), rồi sau đó lập hợp đồng thuê xe, mượn xe hoặc ký hợp đồng dân sự để được quyền hưởng dụng (một quyền mới được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015) chiếc xe đó cho đến hết đời xe.

Mặt khác, việc tổ chức đấu giá biển số xe đẹp để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước dù được dư luận đồng tình, các cơ quan nhà nước bàn thảo nhiều năm nhưng đến giờ vẫn đi vào ngõ cụt. Biển số xe đẹp vẫn cứ như mặc định gắn vào xe sang, nhà nước không thu được thêm đồng nào, còn dư luận vẫn râm ran về những “chuyện hậu trường” để có biển đẹp.

“Chính những giao dịch “lách luật” này sẽ càng làm các quan hệ xã hội phức tạp hơn, nhà nước càng khó quản lý hơn, trong khi đó, mục đích chính là hạn chế phương tiện cá nhân vẫn không đạt được. Mặt khác, nếu một công dân đã sở hữu một xe ô tô con (tư liệu sinh hoạt) mà pháp luật lại cấm họ sở hữu thêm một xe tải hoặc xe bán tải (tư liệu sản xuất) hoặc ngược lại thì thứ “pháp luật” đó sẽ làm cản trở sự phát triển của xã hội”- ông Phất nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, Luật sư Lưu Văn Quang – Công ty Luật Alphabet – cũng cho rằng đề xuất này khó khả thi vì nó vi phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật quy định.

Ở góc độ pháp lý, nếu như quy định trên ban hành và có hiệu lực thì sẽ trái với rất nhiều quy định của pháp luật. Tại điều 32 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ”. Như vậy việc quy định mỗi công dân chỉ được sử dụng một biển số xe sẽ hạn chế quyền sở hữu tài sản của công dân.

Luật sư Lưu Văn Quang cũng cho rằng việc đăng ký và quản lý xe của cơ quan nhà nước và của công dân sẽ vô cùng phức tạp, bởi theo quy định hiện hành các chủ xe sẽ đăng ký xe ở nơi công dân đó cư trú.

“Sẽ không có gì phức tạp nếu công dân đó suốt đời chỉ ở một tỉnh thành phố, nhưng sẽ cực kỳ phức tạp nếu công dân đó chuyển hộ khẩu sang tỉnh khác. Lúc này sẽ đòi hỏi thay đổi hàng loạt các quy định pháp luật hiện hành trong việc quản lý xe” - Luật sư Quang nhấn mạnh.

Luật sư Quang dẫn lại “bài học” thực tế trước đây Hà Nội cũng đã có quy định về việc cấm công dân tỉnh khác mua nhà, sở hữu nhà và sử dụng đất tại Hà Nội. Quy định này ban hành đã gây ra rất nhiều khó khăn cho những người thực sự có nhu cầu nhà ở tại Hà Nội. Ngoài việc không ngăn được nguồn dân cư ồ ạt chuyển về Hà Nội mà còn gây ra hệ lụy pháp lý kéo dài.

“Nếu như áp dụng chính sách một xe như đề xuất chắc chắn quy định về xe chính chủ sẽ phá sản hoàn toàn. Đơn giản nếu như có nhu cầu về phương tiện thì người dân sẵn sàng nhờ người khác đứng tên như trường hợp nhà ở trước đây.

Mặt khác, việc cải thiện giao thông mà chỉ hướng đến giải pháp hạn chế phương tiện, hạn chế quyền sở hữu biện pháp chỉ mang tính chất tạm thời và áp dụng ở một phạm vi hạn chế, thay vào đó nên tập trung vào những giải pháp mang tính chất lâu dài như quy hoạch hệ thống đường giao thông, bãi đỗ, quy hoạch dân cư...” - Luật sư Quang khẳng định.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng Phòng CSGT Hà Nội đề nghị Chính phủ và các Bộ ngành cần có quy định về việc mỗi công dân được đăng ký 1 biển số xe ô tô và chịu trách nhiệm về biển số đó của mình.

Thế Kha - Như Quỳnh