1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Bộ Công an chỉ rõ nhiều bất cập trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an chỉ rõ nhiều bất cập trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ hiện nay. Có nơi, có lúc xuất hiện tình trạng khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Hồ sơ tổng kết thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được Bộ Công an gửi tới Bộ Tư pháp nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Có tình trạng khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH

Theo Bộ Công an, việc phân công trách nhiệm trong quản lý nhà nước về PCCC và CNCH giữa các Bộ, ngành, địa phương còn chồng chéo, chưa phù hợp với điều kiện thực tế.

"Chưa phân công trách nhiệm rõ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về xây dựng, điện lực, cấp nước, chính quyền cấp cơ sở… trong công tác PCCC và CNCH. Một số UBND các cấp, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn nhiều hạn chế, có nơi, có lúc có tình trạng khoán trắng cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Bộ Công an chỉ rõ nhiều bất cập trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ - 1

Rạng sáng 13/9, Hà Nội mưa nặng hạt, hàng trăm cảnh sát PCCC cùng nhân viên y tế liên tục chạy đua với "tử thần" để tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini trong ngõ Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Ảnh: Nguyễn Hải).

Quy định hiện hành cũng chưa phân công trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể xã hội như Công đoàn Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các đoàn thể khác, trong khi lực lượng này luôn xung kích, đi đầu trong các phong trào.

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở, chủ hộ gia đình chưa quan tâm thường xuyên đối với công tác PCCC và CNCH. Có nhiều cơ sở chỉ quan tâm đến việc đầu tư xây dựng ban đầu, còn công tác quản lý, tự kiểm tra an toàn PCCC của cơ sở chưa quan tâm, khoán trắng cho Đội PCCC cơ sở.

Quy định hiện hành cũng chưa rõ về xây dựng phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của cơ sở, phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.

Bộ Công an đánh giá, quy định giao quyền huy động lực lượng và phương tiện của lực lượng PCCC để chữa cháy cho người chỉ huy chữa cháy thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC chưa phù hợp với quy định khác.

Ở một số địa phương, nhiều đơn vị hành chính cấp huyện chưa có Đội cảnh sát PCCC và CNCH. 8 tỉnh có duy nhất một đội đặt tại trung tâm hành chính của tỉnh, bán kính bảo vệ lên đến hàng chục, hàng trăm km (!).

Trong khi đó, mô hình đội dân phòng hầu như chưa được thành lập đầy đủ ở các cấp hành chính theo quy định của Luật PCCC. Hầu hết đội dân phòng cấp thôn chỉ mang tính hình thức, thực hiện nhiều nhiệm vụ (PCCC, hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở...).

Lực lượng PCCC tình nguyện chưa được tổ chức thực hiện do chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia.

Việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC và CNCH một số ngành nghề tư vấn về kinh doanh dịch vụ PCCC và CNCH trong luật chưa quy định.

Bộ Công an chỉ rõ nhiều bất cập trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ - 2

Anh Trung (41 tuổi) mặt lấm lem khói đen và thất thần, sau khi thoát nạn từ đám cháy ở chung cư mini trên phố Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vào sáng 13/9 (Ảnh: Nguyễn Hải).

Công tác cứu nạn, cứu hộ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc

Về công tác CNCH, Bộ Công an đánh giá "còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do còn thiếu cơ sở pháp lý quy định về tổ chức, hoạt động, các điều kiện bảo đảm cho hoạt động CNCH và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan".

Nghị định 83/2017 mặc dù đã tạo được cơ sở pháp lý bước đầu cho việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ CNCH của lực lượng PCCC, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Công tác đầu tư cho hoạt động CNCH chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc đầu tư mới chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, các địa phương còn lại ngân sách đầu tư cho hoạt động CNCH chưa đáp ứng đủ yêu cầu nhiệm vụ.

"Phương tiện CNCH chưa được quy định cụ thể trong luật, trong khi đó, lực lượng cảnh sát PCCC được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ CNCH hàng ngày", Bộ Công an nêu thực tế.

Bộ Công an chỉ rõ nhiều bất cập trong PCCC và cứu nạn, cứu hộ - 3

Từ năm 2001-2022, toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ làm chết 1.910 người, bị thương 4.434 người (Ảnh: Trần Thanh).

Hơn 20 năm qua, công tác PCCC và CNCH đã có chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH được đẩy mạnh và ngày càng phát triển sâu rộng. Qua đó đã góp phần kiềm chế sự gia tăng số vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Công an khẳng định việc xây dựng Luật PCCC và CNCH cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các luật và bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội.

Bộ Công an kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị trình Quốc hội đưa ra dự án Luật PCCC và CNCH vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2024 và xem xét, thông qua tại kỳ họp tháng 11/2024.

 Thiệt hại rất lớn

Như Dân trí thông tin, thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ năm 2001-2022 toàn quốc xảy ra gần 60.000 vụ cháy, nổ (trong đó xảy ra gần 50.000 vụ cháy ở các nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, cơ quan, trường học, bệnh viện, nhà dân; 344 vụ nổ và trên 9.800 vụ cháy rừng), làm chết 1.910 người, bị thương 4.434 người.

Về tài sản thiệt hại ước tính trên 26.000 tỷ đồng và trên 61.000ha rừng có giá trị kinh tế.

Về nguyên nhân cháy, do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm 45,5%; do sơ xuất bất cẩn sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt chiếm 26,1%; vi phạm quy định an toàn PCCC chiếm 1,7%; do tai nạn giao thông chiếm 3,3%…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm