Bỏ cơ chế bộ chủ quản trong giáo dục đại học
Chiều 9/1, Bộ GD-ĐT báo cáo Thủ tướng về việc triển khai Nghị quyết 14 về đổi mới toàn diện giáo dục ĐH. Một đề xuất táo bạo đã được đưa ra là xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, giao quyền tự chủ tối đa cho các trường.
Theo Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bành Tiến Long, chuyển từ cơ chế bộ chủ quản sang không có bộ chủ quản là một tư tưởng mới đối với quản lý ĐH. Trong những năm tới, chưa đặt vấn đề xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.
Xoá bỏ cơ chế xin - cho trong giáo dục đại học
Theo Bộ GD- ĐT, hiện có 15 bộ, ngành và 6 tỉnh, thành trực tiếp quản lý các ĐH công lập (chưa kể các trường quân đội, công an). Trong đó, Bộ GD -ĐT chủ quản 35 trường. Cơ chế bộ chủ quản đang tạo nên tính khép kín trong từng bộ, ngành dẫn đến tính cát cứ, cục bộ. Chất lượng đào tạo của các bộ, ngành khác nhau khó đảm bảo mặt bằng chung về trình độ đào tạo, chuẩn kiến thức. Bản thân các trường cũng có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các nguồn lực của bộ chủ quản.
Hiện nay, trên thế giới chỉ còn Cuba, Iran, Mông Cổ, Nga là còn khái niệm bộ chủ quản các ĐH.
Từ những lý lẽ trên, Bộ GD- ĐT đề xuất trao quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cao nhất cho các trường đại học. Nhà trường tự chủ về tổ chức, nhân sự, tài chính, đào tạo và dưới sự giám sát của Hội đồng trường. Chính phủ và các bộ, ngành tập trung xây dựng chiến lược và kiểm định chất lượng đào tạo. Dự kiến, từ năm 2007 sẽ triển khai phương án trên.
"Bỏ cơ chế bộ chủ quản là tư duy mới về quản lý nhà nước đối với giáo dục ĐH. Tuy nhiên, một số quyền và lợi ích cục bộ sẽ mất đi, do vậy sẽ vấp phải sự phản ứng của những người ủng hộ cơ chế cũ", Thứ trưởng Bành Tiến Long nói.
Kết luận về vấn đề này, Thủ tướng Phan Văn Khải đồng ý giao quyền tự chủ cho các trường. Tuy nhiên, Bộ GD- ĐT cần tiếp tục nghiên cứu thêm nên giao quyền tự chủ cho các trường đến đâu và tới mức nào. Song song với việc đó, vai trò quản lý nhà nước của Bộ cũng phải chặt chẽ hơn.
Thủ tướng yêu cầu, từ nay đến năm 2010, các trường có quyền tự chủ cao hơn thì chất lượng đào tạo cũng phải tốt hơn.
Đại học đẳng cấp quốc tế đầu tiên sẽ tuyển sinh vào 2009
Trong báo cáo chiều 9/1, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 phương án để hình thành ĐH đẳng cấp quốc tế tại Việt Nam. Phương án thứ nhất là phát triển trên cơ sở một ĐH đã có. Phương án này có ưu điểm là cơ sở ban đầu của trường có sẵn, chỉ cần có chính sách và cơ chế tài chính phù hợp. Nhưng vấn đề là phải tạo ra cơ chế chính sách đủ mạnh, có sức đột phá.
Phương án thứ hai là xây dựng trường mới. Phương án này có lợi thế rõ rệt vì thực hiện được các ý tưởng mới ngay từ đầu. Dự kiến đến tháng 12 sẽ trình Chính phủ phê duyệt dự án xây trường mới. Năm 2009, trường có thể bắt đầu tuyển sinh. Theo ông Long, dù kinh phí đầu tư ban đầu có thể sẽ rất lớn nhưng phương án hai có hiệu quả cao hơn.
Trong sáng 9/1, Thủ tướng đã quyết định phương án phân ban THPT.
Theo Việt Anh
Vnexpress