1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Bỏ cách đánh giá công chức nể nang, hình thức”

(Dân trí) - Rất nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu lên quan điểm này trong việc góp ý với dự thảo Luật Cán bộ, công chức. Cùng đó, cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau quanh việc xác định, những đối tượng nào được coi là cán bộ, công chức…

Trong buổi thảo luận về Luật Cán bộ, công chức (chiều 21/05), nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, đây là bộ luật rất khó xây dựng.

Theo tờ trình của Chính phủ, đối tượng áp dụng của luật là cán bộ, công chức và các cơ quan, tổ chức của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội. Trong đó cán bộ, công chức cấp xã bao gồm những người do bầu cử như Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND; người đứng đầu tổ chức chính trị-xã hội ở xã, phường, thị trấn; những vị trí chuyên môn nghiệp vụ cấp xã. Đối với các tổ chức sự nghiệp công (giáo dục, y tế…), dự thảo luật qui định những người được nhà nước tuyển dụng, bổ nhiệm để giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lí là công chức.

Về đánh giá cán bộ, công chức, dự thảo luật qui định, công chức được xếp loại theo các mức độ: xuất sắc; tốt; trung bình; yếu. Công chức có hai năm liên tục bị đánh giá ở mức độ yếu (không hoàn thành nhiệm vụ) thì áp dụng chế độ cho thôi việc. Đối với các hình thức kỉ luật cán bộ, công chức, ngoài 6 hình thức kỉ luật đã có dự thảo luật bổ sung thêm hình thức kỉ luật giáng chức.

Dự thảo luật cũng có qui định về Thanh tra công vụ với phạm vi thanh tra gồm: việc tuyển dụng, sử dụng và quản lí công chức; các điều kiện bảo đảm cho hoạt động công vụ…

Góp ý với dự thảo luật, đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng, việc qui định người đứng đầu các tổ chức chính trị-xã hội ở xã phường là công chức cần phải cân nhắc. Bởi lẽ, nhiều người đảm nhận các cương vị này là những người đã về hưu hoặc đã lớn tuổi.

Đối với vấn đề tuyển cán bộ, công chức bà Thanh cho rằng, cần qui định những người đã từng phạm tội, bị đưa vào cơ sở giáo dục, chữa bệnh là không đủ điều kiện dự tuyển vì có nguy cơ gây hại cao cho các cơ quan. Về các môn thi tuyển công chức, không nên qui định cứng nhắc như hiện nay mà chỉ qui định 1-2 môn chung, còn lại là các môn chuyên ngành.

Bà Thanh cũng cho rằng, thực tế hiện nay, một bộ phận những công chức có năng lực, trình độ đã xin ra ngoài làm, nhất là các ngành CNTT, Ngân hàng. Các sinh viên tốt nghiệp thủ khoa giỏi cũng không vào làm việc nhà nước. Vì vậy, luật cần qui định rõ cơ chế khuyến khích, thu hút nhân tài mới “hút” được những người này.

Về đánh giá cán bộ, công chức bà Thanh nhìn nhận, công việc này hiện nay vẫn mang nặng tính hình thức, nể nang, dựa vào ý kiến chủ quan. Từ đó, bà Thanh đặt vấn đề, cần phải thay đổi phương thức đánh giá.

Đại biểu Bùi Ngọc Vinh (Hải Phòng) không đồng ý với việc xếp loại công chức theo các mức độ xuất sắc, tốt, trung bình, yếu. Theo ông qui định như thế rất khó định lượng và nên qui định các mức xuất sắc, đạt yêu cầu và không đạt yêu cầu. Ông Vinh cũng đề nghị, Bộ Nội vụ cần cung cấp các số liệu về tỉ lệ công chức trên số dân của nước ta so với các nước trên thế giới hiện nay như thế nào.

Dẫn ra con số cán bộ công chức của cả nước là 1.971.172 người, trong đó cấp huyện trở lên là 1.778.734 người, cấp xã là 192.438 người đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) đã nói về sự chưa cân đối giữa nguồn nhân lực hoạch định chính sách quản lý ở tầm vĩ mô với nguồn nhân lực thực thi chính sách pháp luật ở cơ sở. Theo bà Bình, chính điều này lý giải một phần việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật đang là khâu yếu trong điều kiện hiện nay.

Bà Bình cũng tán thành với việc qui định rõ trong luật về đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, bởi như vậy sẽ giúp đội ngũ này có cơ hội nâng cao trình độ và hưởng ngạch, bậc lương đãi ngộ, tạo điều kiện thu hút được người có năng lực trình độ.

Mạnh Cường