1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bỏ án tử hình với tội đưa hối lộ

Bộ Công an vừa hoàn tất đề án về hình phạt tử hình. Theo đó, Bộ đề xuất bỏ hình phạt tử hình với các tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản; buôn lậu; đưa hối lộ. Ngoài ra, Bộ công an cũng đang cân nhắc thay kiểu tử hình bằng xử bắn bằng kiểu tiêm thuốc độc.

Sáu loại tội khác cũng được đề xuất bỏ án tử hình là: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả; và tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây là 9 tội danh được quy định tại các điều 139, 153, 157, 180, 197, 289, 341, 342, 343 của Bộ luật hình sự.

Theo Bộ Công an, việc lựa chọn những tội danh cần loại bỏ hình phạt tử hình được dựa trên 3 tiêu chí. Thứ nhất, là những tội mà nếu nhà nước nỗ lực trong quản lý kinh tế, xã hội thì sẽ hạn chế được tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hạn chế sự gia tăng của tội phạm. Thứ hai, là tội chỉ xâm phạm tài sản và có thể khắc phục hậu quả. Cuối cùng, những tội rất ít khi xảy ra hoặc nếu có thì thực tế tòa cũng không áp dụng hình phạt tử hình.

Tử hình bằng bắn: Khó đủ đường

Về hình thức, trình tự, thủ tục thi hành hình phạt tử hình, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ quy định hình thức xử bắn. Theo Bộ Công an, biện pháp này làm cho thi thể tử tù không nguyên vẹn. Mặt khác, hầu hết cán bộ chiến sĩ trực tiếp thi hành án đều bị ảnh hưởng tâm lý và cuộc sống gia đình nặng nề, nhất là những người được giao trói tử tù, bắn viên đạn cuối cùng vào thái dương tội phạm, hoặc thi hành hình phạt với tử tù nữ.

Đã có trường hợp cán bộ công an ở Hà Tĩnh sau một thời gian phát bệnh tâm thần, nhiều người không chịu đựng nổi phải xin ra khỏi ngành.

Tổ chức thi hành án xử bắn cũng gặp nhiều khó khăn vì thiếu pháp trường. Mới 7/64 tỉnh thành trên cả nước có pháp trường cố định. Theo một cán bộ lãnh đạo Cục Cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp - lực lượng có nhiệm vụ tổ chức thi hành án, nhiều địa phương mỗi lần bắn lại phải đi liên hệ, tìm địa điểm.

Đến nay, đất đai hầu hết đã được giao cho hộ gia đình quản lý, nên người dân và cả chính quyền địa phương thường phản đối xử bắn trên đất của mình. Có nơi phản ứng, yêu cầu đưa tử tù về nơi cư trú hoặc nơi gây án mà thi hành án.

Trong thực tế, có đội thi hành án một tỉnh phía Bắc xử bắn liền lúc 10 tử tù để giải quyết tồn đọng thi hành án do thiếu pháp trường. Hoặc như Nghệ An, Hà Giang, địa điểm xử bắn cách nơi giam giữ tử tù cả trăm km, việc dẫn giải, bảo vệ thi hành án rất tốn kém, vất vả.

Ở các nước, tùy vào truyền thống và mỗi thời kỳ, phương thức thi hành hình phạt tử hình rất khác nhau. Có nước theo đạo Hồi truyền thống, tử hình được thực hiện bằng ném đá đến chết hoặc thiêu sống trên giàn thiêu. Nhật Bản và một số nước khác là treo cổ. Có nước châu Âu, tử hình được thực hiện bằng chém. Trung Quốc áp dụng hai hình thức là xử bắn và tiêm thuốc độc. Đa dạng nhất là Mỹ, mỗi bang có cách thức thi hành án tử hình riêng, như treo cổ, tiêm thuốc độc, ghế điện, hít khí độc và cả xử bắn.

Theo nghiên cứu của Bộ Công an, tiêm thuốc độc đang dần phổ biến ở các nước còn áp dụng hình phạt tử hình. Ưu điểm của biện pháp này là tử tù ít bị đau đơn, thi hành án nhanh, thuận lợi, có thể tự động hóa một số khâu nên hạn chế tối đa khó khăn tâm lý tới người trực tiếp thực hiện thi hành án.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng việc chuyển đổi cần qua hai giai đoạn. Đầu tiên áp dụng cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc, trong đó xử bắn nên cải tiến bằng hình thức bắn gián tiếp bằng súng điều khiển tự động, vừa đảm bảo chính xác, vừa giảm bớt áp lực tâm lý cho đội thi hành án. Chỉ chuyển hoàn toàn sang hình thức tiêm thuốc độc khi đã có đủ điều kiện vật chất, cơ sở pháp lý.

Cho thân nhân tử tù nhận xác

Việc chuyển xác tử tù cho thân nhân cũng được đề án của Bộ Công an đề cập. Những năm gần đây, các địa phương báo cáo hàng chục trường hợp gia đình người bị kết án xin xác về mai táng hoặc xin hỏa táng khi hình phạt đã được thi hành, hoặc khi tử tù ốm bệnh chết trong thời gian chờ thi hành án. Tuy nhiên, văn bản duy nhất hướng dẫn việc thi hành án tử hình là Chỉ thị 138/KCL từ năm 1974 của Bộ Công an lại không quy định vấn đề này.

Trong thực tế, do lo ngại xác tử tù được sử dụng để gây rối, chống đối nên sau khi thi hành án, đội thi hành án chôn luôn xác phạm nhân ngay trong pháp trường. Vì không có quy định, nên ở TPHCM đã có một số trường hợp gia đình phạm nhân chịu án tử hình trong vụ án Năm Cam phải giấu lén nhờ qua “cò” đào trộm xác về nơi khác cải táng.

Liên quan đến “hậu thi hành án”, TPHCM thời gian qua còn lúng túng trước nguyện vọng của một số tử tù và gia đình họ được hiến xác cho y học. Nguyện vọng này là chính đáng, bởi Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân từ năm 1989 đã cho phép việc hiến mô, tạng. Bộ luật Dân sự sửa đổi giữa năm 2005 cũng ghi nhận quyền nhân thân này.

Theo Bộ Công an, các vấn đề pháp lý và nhân đạo nói trên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng. Riêng nguyện vọng xin xác của gia đình người bị thi hành án, ngành công an cho rằng nên cho phép với 2 trường hợp: tử tù mắc bệnh chết trong thời gian chờ thi hành án; tử tù bị kết án về các tội hình sự thường có thân nhân gia đình tốt, có đơn đề nghị và cam kết không lợi dụng để phản ứng tiêu cực, được chính quyền địa phương xác nhận. Việc chuyển xác người bị kết án phải đảm bảo vệ sinh, phong tục tập quán, và nhất là không gây dư luận hay bất ổn trong an ninh, trật tự.

Theo một cán bộ Ban Nội chính trung ương, đề án trên đang được các cơ quan hữu quan nghiên cứu. Trước mắt, có thể Chính phủ sẽ ban hành một nghị định về hình phạt tử hình, trong đó có quy định hình thức xử bắn gián tiếp, vấn đề mai táng và hiến xác. Tử hình là một hình phạt chính trong Bộ luật Hình sự, vì vậy về lâu dài, cần xây dựng Pháp lệnh Thi hành án tử hình để điều chỉnh.

Theo Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm