1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bịt kẽ hở về quy định vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng

(Dân trí) - Bộ Công an khẳng định sẽ tiếp thu kiến nghị của cử tri, giao các đơn vị chức năng nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc luật không coi vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng thuộc đối tượng của tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.

Cử tri tỉnh Thái Nguyên phản ánh, tại Khoản 6 Điều 3 của Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định các loại “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng”, không nằm trong Khoản 2 Điều 3 “Vũ khí quân dụng” đã tạo nên cách hiểu “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” chỉ được coi là “vũ khí” nói chung.

Do vậy, “vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” không thuộc đối tượng của tội“chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự” quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bịt kẽ hở về quy định vũ khí có tính năng tương tự vũ khí quân dụng - 1

(Ảnh minh hoạ).

Tuy nhiên, trên thực tế, xét về tính sát thương của loại vũ khí này cao hơn nhiều so với các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí khác. Vì thế nếu không được xử lý nghiêm sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Cử tri Thái Nguyên đã đề nghị Bộ Công an có văn bản hướng dẫn về hành vi “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng” được xử lý bằng pháp luật hình sự như trước đây.

Trả lời cử tri, Bộ Công an cho biết, tại Khoản 1, Khoản 6 Điều 3 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 quy định: “Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.

“Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao”. 

Tại Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 không coi vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng thuộc đối tượng của tội “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.

“Đây là một trong những khó khăn, vướng mắc trong thực tế đấu tranh, phòng, chống tội phạm hiện nay”- Bộ Công an nhìn nhận và khẳng định sẽ tiếp thu kiến nghị của cử tri, giao các đơn vị chức năng phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong áp dụng Điều 304 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Vướng mắc trong kiểm tra an toàn PCCC

Cử tri tỉnh Thanh Hoá phản ánh, Điều 18 Nghị định số 79/2014 của Chính phủ quy định Cảnh sát PCCC có trách nhiệm kiểm tra an toàn PCCC định kỳ hàng quý đối với cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt bảo đảm an toàn về PCCC; 6 tháng hoặc 1 năm đối với các đối tượng còn lại và kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu nguy hiểm.

Tuy nhiên, Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp.

“Sự mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn cụ thể để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”- cử tri phản ánh.

Theo Bộ Công an, nhằm giải quyết sự vướng mắc trong việc thực thi các quy định về số lần, số lượt kiểm tra an toàn PCCC theo Nghị định số 79/2014 và Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ, tháng 6/2017 Bộ Công an có Văn bản số 1336/BCA-V19 báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg.

Ngày 15/8/2017, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8582/VPCP-V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Thường trực Trương Hòa Bình về nội dung trên, trong đó nhấn mạnh: Tại địa phương, cơ quan Công an phối hợp với đơn vị Thanh tra xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm theo hướng kết hợp thanh tra, kiểm tra nhiều nội dung, trong đó có công tác PCCC, bảo đảm không để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất về an toàn PCCC trong phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 79/2014 của Chính phủ và hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát PCCC; báo cáo kết quả tự kiểm tra cho cơ quan Cảnh sát PCCC và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả kiểm tra, báo cáo của mình.

“Bộ Công an xin ghi nhận và tổng hợp kiến nghị của cử tri để tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh bảo đảm đồng bộ, thống nhất”- Bộ này cho hay.

Thế Kha