1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Biển” người lễ Tết Nguyên tiêu, các dịch vụ “hốt bạc”

Năm nào cũng vậy, tình trạng người dự lễ cầu an, lễ dâng sao, giải hạn ở chùa Phúc Khánh (Đống Đa, Hà Nội) đông quá tải, ngồi tràn kín lòng đường. Các dịch vụ cho thuê ghế, khấn thuê, gửi xe vì thế cũng được dịp “hốt bạc”.

Giá dịch vụ “cắt cổ”

 

Thời tiết chiều tối ngày 16/2 (14 tháng Giêng âm lịch) lất phất mưa phùn, càng lúc càng bắt đầu nặng hạt nhưng không ngăn nổi dòng người ùn ùn kéo về địa chỉ số H.171, tổ 1, phường Thịnh Quang, (Đống Đa, Hà Nội). Mặc dù tối 15 mới là chính hội Rằm tháng Giêng nhưng đại lễ cầu an được tổ chức sớm hơn một ngày vẫn thu hút đông đảo Phật tử xa gần. Ăn theo lễ hội, ngay lập tức hàng loạt các dịch vụ mọc lên dọc đoạn đường Tây Sơn.

 

“Biển” người lễ Tết Nguyên tiêu, các dịch vụ “hốt bạc” - 1

Chen chúc đi lễ tại chùa Phúc Khánh

 

Lộn xộn nhất là hoạt động trông giữ xe. Nhiều bãi trông xe tự phát mọc lên cạnh các nhà dân, lấn chiếm thêm cả hầm đường bộ kề đó. Giá mỗi chiếc xe máy đều bị “chém” từ 10.000 đến 20.000 đồng/xe, càng về sau càng đắt với lý do “xe nhiều, người đông đắt là đương nhiên”.

 

Hàng chục gia đình “nhảy ra” làm dịch vụ trông xe máy kiêm luôn cho thuế ghế nhựa, giấy báo để ngồi. Từng chồng ghế nhựa cao ngất cứ mang ra đến đâu là thuê hết sạch đến đó, mặc dù giá thuê ghế còn đắt hơn tiền mua ghế nhiều lần.

 

Muốn có một chiếc ghế nhựa ngồi dự lễ cầu an, người dân phải bỏ ra 20.000 đồng (trong đó tiền thuê ghế là 10.000 đồng, còn lại là tiền đặt cược khi nào trả ghế sẽ được hoàn tiền). Đúng ra là như vậy, nhưng sau lễ cầu an, không mấy người có thể nhận lại số tiền đặt cược kia.

 

“Biển” người lễ Tết Nguyên tiêu, các dịch vụ “hốt bạc” - 2
 
“Biển” người lễ Tết Nguyên tiêu, các dịch vụ “hốt bạc” - 3


“Biển” người lễ Tết Nguyên tiêu, các dịch vụ “hốt bạc” - 4
Các dịch vụ cho thuê ghế, viết sớ, đăng ký dâng sao giải hạn… hoạt động khá tấp nập

 

Chị Thanh (Mễ Trì, Từ Liêm) chưa quên được cảnh chen lấn, xô đẩy lúc tan lễ tối qua mà mình và con gái phải chịu. Chị kể: “Buổi lễ kết thúc, mạnh ai người đấy chen lấn, xô đẩy nhau. Tôi và đứa con gái nhỏ xếp hàng mang ghế trả và đợi người ta hoàn tiền lại nhưng cuối cùng cũng bỏ cuộc về cho xong. Rất nhiều người khác cũng làm vậy để “bảo toàn” tính mạng”. Chủ dịch vụ cứ thế tha hồ “hốt bạc”.

 

Chùa Phúc Khánh rất nổi tiếng với hoạt động dâng sao, giải hạn. Không chen chân được vào trong chùa viết sớ, đăng ký giải hạn, nhiều người đổ xô đăng ký với những người tự nhận là “người nhà chùa”? Sau khi ghi rõ tên tuổi, địa chỉ cụ thể, gia chủ phải nộp 100.000 đồng/người để làm lễ cầu an, giải hạn. Nếu khách muốn, có thể đưa thêm tiền sắm lễ, tiền công đức “người nhà chùa” sẽ gửi giúp!?

 

Từ đầu năm đến nay, nhiều buổi lễ dâng sao giải hạn đã diễn ra, không ít người đã phải bỏ ra hàng triệu đồng để giải hạn cho người thân trong gia đình. “Chẳng biết người ta có làm lễ giải hạn cho mình không nhưng thấy người ta chen chân đăng ký thì mình cũng làm theo. Coi như thoải mái về mặt tâm linh”- một người dự lễ cầu an nói.

 

Chen lấn để khấn bái

 

Dân gian có câu: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Đây là dịp người người đi lễ chùa chiền, đền đài, miếu mạo nhằm phúng điếu các thần linh và khấn cầu một năm bình an, hạnh phúc, tiền tài… Tuy nhiên, do lượng người quá đông, nhà chùa Phúc Khánh phải làm lễ cầu an đại trà với số lượng lá sớ khổng lồ được chuẩn bị từ trước và được hoá vàng chung sau buổi lễ cầu an.

 

Đến 4 giờ chiều, mọi ngóc ngách vào chùa đã chật kín. Các Phật tử phải ngồi ngoài đường và theo dõi khóa lễ cầu an qua loa phóng thanh. 7 giờ tối mới bắt đầu, nhưng có người đã tới từ 2 giờ chiều. Ai đến muộn chỉ còn cách vật vạ ngoài đường khấn vọng.

 

Chị Huyền (Hà Đông) dù bận việc công ty nhưng cũng không quên cho đứa cháu nhỏ đi “xí chỗ” đẹp từ trước ngay tại sân chùa. Còn bác Nụ (cán bộ về hưu) cho biết: “Năm nào tôi cũng đi lễ cầu an và năm nào cũng bắt gặp cảnh tượng chen lấn hãi hùng. Tốt nhất là đứng xa khấn vọng, tan lễ còn có đường mà “thoát” cho nhanh”.

 

“Biển” người lễ Tết Nguyên tiêu, các dịch vụ “hốt bạc” - 5
Hàng ngàn người ngồi tràn ra đường dự lễ cầu an

 

Nhiều người lại cho rằng, lễ bái đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong đời sống tâm linh, nhất là dịp đầu năm mới. Nhưng cũng không hẳn phải cần mâm cao cỗ đầy mà cốt là thành tâm niệm Phật. Nếu có ít nhiều thì nên công đức cho nhà chùa chứ không nên rải tiền lẻ lung tung, rất mất mỹ quan.

 

Mặc dù loa nhà chùa liên tục nhắc nhở các quý Phật tử không chen lấn, xô đẩy nhau nhưng tình trạng trên là không thể tránh khỏi. Ngay khi buổi lễ cầu an kết thúc, người dân ào ào đổ tới cửa chùa lấy lộc gây nên cảnh lộn xộn. Kẻ gian đã lợi dụng trà trộn vào dòng người lấy cắp ví tiền, điện thoại di động khiến nhiều người trong tình trạng dở cười, dở mếu.

 

Sau khi đám đông được giải tỏa, rác rưởi từ giấy báo, túi nilong, ghế nhựa vỡ lộ ra thành một “bãi chiến trường” khổng lồ. Sự thiếu ý thức của người dân đã làm mất đi nét đẹp và sự tôn nghiêm nơi cửa thiền.

 

Theo Dương Hải

 Lao động điện tử