1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Biến Đà Nẵng thành… “đô thị nước sống động”!

(Dân trí) - Đó là một trong các đề xuất được nêu lên tại Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực Asean và Châu Á”.

Sau những việc làm tạo nên ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, giờ đây Đà Nẵng mạnh dạn đứng ra kêu gọi sự đóng góp ý tưởng từ các chuyên gia đầu ngành của cả nước

Trong những năm qua, với định hướng phát triển thành một thành phố công nghiệp văn minh, hiện đại, công tác quy hoạch đô thị, đầu tư xây  dựng, phát triển cơ sở hạ tầng đã được UBND thành phố thực hiện một cách tương đối đồng bộ.

Cách đây 10 năm khi diện tích đô thị của Đà Nẵng là 5.600 ha, nay ranh giới đô thị đã gần đạt tới con số 9.000 ha với hàng loạt các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu công nghiệp tập trung, công nghiệp địa phương, các khu kho tàng, sản xuất nhỏ, các khu du lịch, các khu cây xanh, thể thao, các làng nghề...
 
Biến Đà Nẵng thành… “đô thị nước sống động”! - 1
Nhiều ý tưởng cho Đà Nẵng trong tương lai được nêu lên

Việc phát triển các khu vực đô thị đồng hành với việc chỉnh trang nâng cấp các khu vực đô thị cũ. Hầu hết các tuyến đường nội thị cũ được quy hoạch, quản  lý và nâng cấp. Hệ thống giao thông đầu mối như sân bay, bến cảng, ga đường sắt  và đường quốc lộ được đầu tư.... Từ đó, tạo nên một Đà Nẵng - thành phố trẻ và năng động.

Với chủ đề chính là “phát triển đô thị và không gian đô thị Đà Nẵng”; “phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch, dịch vụ chất lượng cao và công nghiệp công nghệ cao phù hợp xu thế phát triển của khu vực Asean và châu Á”; “Vai trò của doanh nghiệp trong tiến trình phát triển”, Đà Nẵng đã quy tụ được nhiều ý tưởng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu và kể cả những tập đoàn lớn trong cả nước.

Với các ý “mở” cho Đà Nẵng - Đô thị ven biển - ý tưởng về một đô thị nước, cửa ngõ hướng biển quan trọng - cái nhìn từ lợi thế tiềm ẩn, T.S KTS Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Qui hoạch đô thị nông thôn - Bộ Xây dựng đã tạo nên các tiếp cận mới về phát triển không gian đô thị Đà Nẵng, đưa Đà Nẵng trở thành cửa ngõ hướng ra khu vực và thế giới, được nhiều diễn giả quan tâm và phản biện.

Theo ông Qu ảng, với đất nước Việt Nam bao quanh phía Đông là biển thì việc tạo nên những đô thị, chùm đô thị ven biển sẽ tạo nên cái riêng của vùng, miền. Tuy nhiên, không chỉ Đà Nẵng mà kể cả những đô thị ven biển của cả nước vẫn chưa thực sự khai thác hết tiềm năng của mình.

Ông Quảng chỉ rõ: “Chúng ta chưa tạo dựng được dấu ấn riêng, đặc sắc cho các đô thị, các chùm đô thị ven biển trên cơ sở khai thác những lợi thế tiềm ẩn từ vị thế, điều kiện tự nhiên đến văn hóa - lịch sử, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng. Từ các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên (sông, biển, núi đồi...), ý tưởng đề xuất có thể là: Đô thị nước sống động. Lấy yếu tố mặt nước, sông, biển, các đặc điểm của địa hình tự nhiên, điều kiện tự nhiên của Đà Nẵng làm tư tưởng chính để tổ chức không gian...”.
 
Biến Đà Nẵng thành… “đô thị nước sống động”! - 2
Ý tưởng về một công viên tâm linh của Tiến sĩ kiến trúc sư Phạm Tứ

Đồng thời, hàng loạt các ý tưởng mới, lạ khác về “cơ hội” cho Đà Nẵng phát triển như: Đưa Đà Nẵng trở thành một cực (hub) về công nghệ đặc thù (Trần Ngọc Ca - Hội Đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia), xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sống tốt (T.S Trần Du Lịch), xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh (T.S Phạm Sỹ Liêm), quy hoạch Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn hướng đến một di sản văn hóa trong tương lai. (T.S KTS Phạm Tứ).

Bên cạnh đó, những ý tưởng khác cũng đặt ra cho Đà Nẵng những câu hỏi về qui hoạch phát triển hay đơn giản như câu chuyện về một công viên vui chơi giải trí cho người dân. Đó cũng có thể là cách đặt tên đường, đi tìm một loại cây đặc trưng riêng cho thành phố hay “biến” làng đá Non Nước trở thành một công viên về đá..v.v

Cùng đó là những câu hỏi đặt ra cho UBND thành phố như: Trung tâm thành phố ở đâu?; Đà Nẵng đã có phố ẩm thực, phố mua sắm chưa?..

Giáo sư Tiến sĩ khoa học Đặng Hùng Võ cũng chỉ rõ: Đà Nẵng cũng còn một số điểm yếu gồm quy hoạch còn dàn trải, sử dụng nhiều đất, thiếu hạ tầng và dịch vụ cao cấp, thiếu các cư dân chất lượng cao. Chính vì vậy trong thời gian tới, Đà Nẵng cần có những thay đổi để phát triển bền vững hơn”. Đây cũng là ý chung của nhiều nhà nghiên cứu về qui hoạch.

Ông Trần Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết:  “Có nhiều ý kiến rất hay, có giá trị. Chúng tôi cũng mong mong muốn là dịp này chúng tôi cũng tranh luận trao đổi để làm sáng tỏ nét hay của các ý tưởng. Chúng tôi sẽ tiếp thu những phương án, biện pháp, ý tưởng của quý vị đóng góp cho chính quyền thành phố, trên cơ sở đó, thành phố sẽ nghiên cứu, áp dụng vào trong thực tế, giúp Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, trở thành trung tâm cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên”.

Ô Châu