Bí thư Nguyễn Văn Nên nhận thêm nhiệm vụ mới
(Dân trí) - Theo quyết định mới thông qua, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030.
Ngày 29/5, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì buổi họp Tiểu ban, Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030. Sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND thành phố.
Tại buổi họp, Thành ủy TPHCM đã thông qua quyết định thành lập Tiểu ban Văn kiện và Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030; dự thảo quy chế làm việc của Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội; kế hoạch chuẩn bị Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố.
Theo quyết định, Tiểu ban Văn kiện có trưởng ban là Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên. Các phó trưởng ban là ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư thường trực Thành ủy; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND thành phố và ông Nguyễn Phước Lộc, Phó bí thư Thành ủy TPHCM.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, Đại hội XII của Đảng bộ TPHCM sẽ diễn ra trong vòng 17 tháng nữa. Ngay từ quý I/2025, các cơ quan, địa phương, đơn vị sẽ tiến hành đại hội cơ sở, đại hội cấp trên cơ sở.
Do thời gian không còn nhiều, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM yêu cầu khẩn trương các công tác chuẩn bị cho tổng kết nhiệm kỳ.
Hiện tại, TPHCM đang thực hiện các chỉ đạo của Trung ương như Nghị quyết 131, Nghị quyết 1111, Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 và Nghị quyết 98. Các nội dung này sẽ được đánh giá trong nội dung tổng kết nhiệm kỳ.
Trong đó, địa phương cần đánh giá sát tình hình thế giới, trong nước, tình hình thành phố để đưa ra các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu.
"Các văn kiện Đại hội phải làm theo quy định, bám vào chương trình hướng dẫn của Tiểu ban Văn kiện Trung ương, tuy nhiên phải đổi mới cách viết văn kiện. Trong đó, báo cáo chính trị là trung tâm, phải đảm bảo chất lượng, phản ánh đúng sự thật, các báo cáo khác phải đồng bộ về chủ trương, chính sách, không trùng lắp, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ", ông Nguyễn Văn Nên lưu ý.