Bí thư Hà Nội: Không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn
(Dân trí) - Đánh giá công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực là khâu yếu, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu phải giải quyết từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Ngày 11/5, Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ Chương trình số 10 về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, công tác tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong nội bộ một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, phần lớn là không tự phát hiện ra.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát phát hiện nhiều sai phạm, nhưng phát hiện để chuyển cơ quan điều tra các sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực chưa nhiều…
Bí thư Hà Nội yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, nhất là thanh tra công vụ, kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện, giải quyết từ sớm, từ xa, ngăn chặn từ đầu sai phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Ông đánh giá, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi thành lập Ban chỉ đạo của Thành ủy đã được triển khai quyết liệt, hiệu quả và đi vào chiều sâu, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Sau 2 năm thực hiện Chương trình số 10 của Thành ủy và sau 1 năm hoạt động của Ban chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, người đứng đầu Thành ủy cũng nêu rõ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như tính nêu gương của người đứng đầu và sự vào cuộc của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc còn chưa sâu sát, kịp thời, quyết liệt...
Trình bày tại hội nghị Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, sau khi thành lập Ban chỉ đạo Chương trình số 10 đã xây dựng, thực hiện 15 chuyên đề, đề tài tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức hơn 3.200 cuộc tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với gần 82.000 lượt người tham gia; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của hơn 1.100 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở đã tiến hành kiểm tra hơn 3.500 tổ chức Đảng, gần 1.000 đảng viên; giám sát đối với hơn 2.200 tổ chức Đảng, gần 1.100 đảng viên.
Ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với hơn 300 lượt tổ chức Đảng và gần 760 đảng viên; kết luận 122 tổ chức Đảng và 332 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 17 tổ chức Đảng và 236 đảng viên.
Toàn thành phố triển khai gần 700 cuộc thanh tra; đã kết luận 420 cuộc. Qua thanh tra, đã phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi hơn 50 tỷ đồng, kiến nghị xử lý gần 1.100m2 đất; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với hơn 100 tập thể và 172 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 5 vụ án, 133 vụ việc có dấu hiệu phạm tội để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội đã thụ lý 101 vụ/190 bị can; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố thụ lý 61 vụ/139 bị can; Tòa án nhân dân thành phố thụ lý 84 vụ/267 bị cáo…
Đáng chú ý, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý 47 vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.