Bí thư Bạc Liêu: Có nội dung chỉ thị "quá cứng" gây khó thực hiện
(Dân trí) - Nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến thực hiện tốt Chỉ thị 12 về kỷ luật, kỷ cương hành chính được nhân rộng, lan tỏa nhưng tỉnh Bạc Liêu cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Ngày 11/4, tỉnh Bạc Liêu sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc; nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (gọi chung là cán bộ) trên địa bàn".
Đây là một trong những chỉ thị rất được cán bộ, người dân địa phương quan tâm, đặc biệt liên quan đến vấn đề sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong ngày làm việc hành chính.
Nhiều cán bộ bị xử lý vì vi phạm chỉ thị
Ông Vương Phương Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bạc Liêu, cho biết qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 12, nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm của cán bộ được nâng lên.
"Kết quả thực hiện cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp đã được chấn chỉnh và có chiều hướng giảm; từng bước khắc phục tình trạng nghe báo cáo một chiều, nói suông hoặc buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở trong triển khai nhiệm vụ, tình trạng làm ít, nói nhiều…", ông Nam khái quát.
Theo ông Nam, nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến thực hiện tốt Chỉ thị 12 được nhân rộng, lan tỏa nhưng tỉnh cũng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
"Tổ kiểm tra chỉ thị 12 đã kiểm tra đột xuất tại hơn 44 sở, ban, ngành, địa phương và đã xem xét, xử lý kỷ luật 29 cán bộ, đảng viên, kiểm điểm rút kinh nghiệm 14 cán bộ, đảng viên", ông Nam thông tin.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 12 thiếu tính toàn diện, khi thời gian qua chủ yếu vào việc chấp hành giờ giấc, sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa ngày làm việc, giờ trực, chứ chưa chú trọng về đạo đức công vụ, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, tác phong làm việc…
Ông Ngô Công Hầu, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bạc Liêu, cho biết qua 5 năm kiểm tra các cơ quan hành chính cấp tỉnh, huyện đa số có vi phạm giờ giấc như đi trễ, về sớm từ 5-20 phút đầu giờ, với 172 trường hợp vi phạm.
"Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị giải trình lý do và có văn bản nhắc nhở cán bộ chấn chỉnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương đúng quy định chỉ thị, trong đó cấp huyện kỷ luật khiển trách 15 cán bộ", ông Hầu cho hay,
Theo ông Hầu, sự phối hợp giữa các đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính có lúc thiếu chủ động, còn tình trạng trễ hẹn, kéo dài thời gian ở một số lĩnh vực, nhất là đất đai.
"Giai đoạn 2017-2018 có những lĩnh vực trễ hẹn đến 200 ngày làm việc. Còn trong năm 2022, cấp tỉnh, huyện có 22/41 hồ sơ trễ hẹn từ 10-15 ngày so với quy định", ông Hầu nêu con số kiểm tra.
Đánh giá nguyên nhân xảy ra vi phạm Chỉ thị 12, theo nhiều lãnh đạo đơn vị, địa phương, do một số nơi, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đúng mức tầm quan trọng của chỉ thị nên thực hiện chưa thật sự quyết liệt, toàn diện.
Một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử của cán bộ nên chưa phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những hạn chế, khuyết điểm.
Hay phát huy, dở thì sửa
Nói về Chỉ thị 12, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng cho rằng, việc thực hiện chỉ thị thời gian qua đạt hiệu quả. Tuy nhiên, có những nội dung trong chỉ thị "quá cứng" nên thực hiện còn thiếu sót.
Ông Hùng đề nghị các đơn vị, địa phương xem lại qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 12 cái gì làm hay cần phát huy, cái gì còn dở thì tự giác nhắc nhở, tự sửa để làm hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
"Tới đây sẽ xem xét sửa, bổ sung một số nội dung của Chỉ thị 12 cho phù hợp, sát thực tế để thực hiện tốt hơn. Cũng nên có hẹp, có mở để dễ thực hiện, làm sao không vi phạm, cũng như đừng lợi dụng để xảy ra vi phạm", ông Hùng nêu quan điểm.
Chỉ đạo trước mắt, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, vụ việc nổi cộm bức xúc ở địa phương, nội bộ Đảng và nhân dân quan tâm, từng bước siết chặt kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ cán bộ.
"Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ phải đảm bảo đúng thực chất, không được nể nang, không o bế mà khách quan, trung thực, công khai, minh bạch. Công tác điều động, luân chuyển, cán bộ thuộc thẩm quyền của Thường trực, Ban thường vụ cấp ủy chứ không riêng cá nhân nào", ông Hùng yêu cầu quyết liệt.