Hà Tĩnh:
Bị sinh vật “lạ” tấn công, rừng bần ngập mặn nguy cơ bị xóa sổ
(Dân trí) - Sau gần một năm được trồng, đang sinh trưởng tốt với đường kính 5cm, chiều cao 1,2m thì bất ngờ nhiều ha cây bần chua trồng ở thôn Tiền Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh bị loài sinh vật lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Tĩnh gây hại.
Toàn bộ diện tích rừng trồng nói trên nằm trong Dự án "Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Hà Tĩnh", gọi tắt là dự án IWMC Hà Tĩnh, do Vương quốc Bỉ tài trợ.
Sau gần một năm, khi 13ha cây bần chua trồng ở thôn Tiền Tiến, xã Thạch Môn, TP Hà Tĩnh đang sinh trưởng tốt với đường kính 5cm, chiều cao 1,2m thì bất ngờ bị loài sinh vật lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Tĩnh gây hại.
Thời điểm cơ quan chức năng phát hiện rừng bần mới trồng bị sinh vật "lạ" gây hại là vào cuối tháng 8/2019.
Những gốc bần lá cứ héo dần và chết khô.
Nhổ cây lên để kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cây bần chua bị loài giáp xác đục phần gốc, dẫn tới thiếu chất dinh dưỡng và chết.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Thạch Môn, khi tiến hành kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trong mỗi thân cây bị đục có từ 15 – 30 con bọ làm tổ.
Qua xác định từ các đơn vị chuyên môn thì đây là giáp xác chân đều đục thân có tên khoa học là Sphaeroma terebrans Bate, thuộc họ Sphaeromatidae bộ chân đều Isopoda, lớp Malacostraca. Loài giáp xác này rất ít xuất hiện ở Việt Nam, mới chỉ ghi nhận chúng gây hại cho rừng đước ở tỉnh Quảng Ngãi vào giữa năm 2017, còn ở Hà Tĩnh thì chưa từng xuất hiện.
Một cán bộ tại BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh- chủ đầu tư cho hay: Loài sinh vật này tấn công khiến cây bần chua chết rất nhanh. Chỉ trong vòng 10 – 15 ngày, 30% diện tích bị thiệt hại với số lượng cây bần có dấu hiệu bị xâm hại là 40 – 60%. Đáng lo ngại hơn là diện tích rừng ngập mặn bị loài sinh vật “lạ” gây hại ngày càng nhiều, có thể lan rộng ra toàn bộ 13ha. Hai lô trồng 7ha và 5ha cũng bắt đầu có hiện tượng bị loài sinh vật này xâm hại.
Trước tình trạng rừng ngập mặn mới trồng có nguy cơ bị “xóa sổ”, BQL Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị chuyên môn Sở NN&PTNT như: Chi cục Kiểm lâm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Thủy sản vào cuộc tìm cách khắc phục, xử lý loài sinh vật gây hại. Trong khi đang tìm giải pháp xử lí hiệu quả để loại bỏ hoàn toàn loài giáp xác đục thân, phương án trước mắt được đưa cơ quan chức năng tại tỉnh này đưa ra là chặt bỏ, thu gom cây bần chua bị xâm hại rồi tiêu hủy để tránh lây lan diện rộng.
Văn Dũng - Minh Lý