1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí quyết nhìn trăng hãm đào của người Nhật Tân

(Dân trí) - Để cây đào ra hoa đúng hẹn mùa xuân, người ta phải “trông trăng” từ tận…trung thu năm trước. Đây chỉ là một trong những bí quyết trồng đào từ hàng trăm năm nay của người làng đào Nhật Tân, Hà Nội.

Bí quyết hãm đào của người Nhật Tân.

 

Nghề nông ở Bắc Bộ từ nghìn đời nay đã vất vả, phải “trông trời, trông đất, trông mây…”, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nghề trồng hoa ở làng đào Nhật Tân còn vất vả bội phần.

Anh Lâm (44 tuổi) là thế hệ thứ tư trong gia đình nhiều đời bám mảnh đất Nhật Tân. Nghề chính trong nhà là làm nông, trong đó trồng đào chiếm một vị trí quan trọng. Anh nói, cũng như các loại cây trồng khác, yếu tố thời tiết vẫn là quan trọng nhất. Từ giữa thu năm trước, khi con trẻ mải mê ngắm trăng, đốt đèn, phá cỗ thì người lớn ở làng Nhật Tân cũng ngắm trăng nhưng là để xem thời tiết lúc áp tết thế nào, “nếu năm nào trăng đục thì trời sẽ lạnh, còn trăng trong thì sẽ nóng”.

Từ chuyện ấm lạnh của con trăng mà thành chuyện thời khí những ngày áp tết. Từ đó mới gia giảm chuyện nhặt sâu, tuốt lá cho cây đào.

 

Bác Văn: Trồng đào chủ yếu vẫn dựa vào thời tiết và kinh nghiệm từ các cụ truyền lại.
Bác Văn: Trồng đào chủ yếu vẫn dựa vào thời tiết và kinh nghiệm từ các cụ truyền lại.

 

Đào Nhật Tân vốn nổi tiếng bởi kỹ thuật trồng đào, từ việc ghép cành tạo ra cây đào lai, đến việc sửa tán, tạo cho cây tròn, đều, đẹp. Đặc biệt, kỹ thuật hãm đào cho nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán trong điều kiện thời tiết diễn biến đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, không đâu có thể làm được bằng.

Năm nay thời tiết diễn biến phức tạp, nóng lạnh bất thường, anh Lâm chia sẻ: “Năm nay thời tiết nóng nhiều, nên nhà tôi và nhiều hộ khác đều tuốt lá muộn hơn mọi năm đến cả chục ngày, tuốt muộn hơn để đào nở chậm hơn”.

Nói là tuốt lá, nhưng cũng không phải cứ thò tay ra ngắt lá là được. Công việc này cũng đòi hỏi tỉ mỉ, kì công, làm từng cây đào, từng nhánh đào một. Động tác tuốt lá phải tuốt theo chiều lá mọc hướng lên, tuốt ngược xuống sẽ bị rụng hết “mắt đào”. Mỗi một lá đào ngắt xuống là một lần cây đào “tức mắt”, từ “mắt đào” ấy mà cây đâm chồi, nẩy lộc.

 

Chỉ là tuốt lá nhưng mỗi gia đình ở làng Nhật Tân lại có một bí quyết riêng, không nhà nào giống nhà nào.
Chỉ là tuốt lá nhưng mỗi gia đình ở làng Nhật Tân lại có một bí quyết riêng, không nhà nào giống nhà nào.

 

Anh cũng chia sẻ, dù là có công thức chung cho trồng đào ở Nhật Tân nhưng mỗi nhà cũng có một “mẹo” riêng cho mình, chỉ có gắn bó lâu dài với cây đào mới có được. Như nhà anh, để hoa nở rộ cùng thời điểm thì mỗi cây lại có một lịch tuốt lá khác nhau, có cây anh tuốt lá đúng ngày, có cây tuốt chậm năm ngày, cây khác lại tuốt chậm đến chục ngày.

Với cách thức như vậy thì dù thời tiết như thế nào anh cũng luôn có được cây đào nở hoa đúng dịp để phục vụ bà con. “Đào phải có nở trước nở sau, chứ bán cùng một lúc tết thì bán sao kịp. Cành nào xấu tuốt trước bán trước, cành nào đẹp tuốt sau bán sau, phải phân loại ra thì mới trúng được, vẫn có hoa bán. Thế nên kể cả nắng vẫn được ăn, rét vẫn được ăn”.

Nhà chị Phương gần đấy cũng vậy. Chị vừa thoăn thoắt tuốt lá, vừa trò chuyện. Chị bảo: Việc tuốt lá chỉ người trong nghề mới biết. Một mắt lá có ba, bốn nụ, vặt lá nào, để lại lá nào chỉ người trong nghề mới biết, người mua đào thông thường không thể biết được. Tết năm trước, do căn được thời gian và tuốt lá muộn nên dù nhiều nhà thất thu thì nhà chị vẫn "trúng mùa" đào.

Nếu không phải người ăn cùng đào, ngủ cùng đào, dầm mưa dãi nắng với cây đào thì không thể nào có được bí quyết ấy.

Cẩn trọng và tinh tế như vậy nên dù mấy năm gần đây, thời tiết có diễn biến thất thường nhưng 5 sào đất trồng đào của nhà anh Lâm cũng không phụ công người. Như năm ngoái, khi nhiều nơi đào nở bung, gây thất thu, thì gia đình anh không bị ảnh hưởng nhiều.

Sang vườn nhà bác Văn, áp nhà anh Lâm, chúng tôi lại được chứng kiến một mẹo khác với cây đào. Cũng là tuốt lá, nhưng bác Văn bảo: “Tùy theo từng giống đào mà tôi căn ngày tuốt lá. Giống đào hạt kép, với thời tiết bình thường thì tuốt trước 45 ngày còn ấm thì tuốt trong 40 ngày là phải bán, giống đào phấn hồng cũng như vây. Còn như giống đào ta năm cánh, trên thực tế tuốt trước 35 đến 40 ngày nhưng nếu thời tiết như năm ngoái thì không cần tuốt lá vẫn ra hoa như bình thường”.

 

Chị Phương: Có nhà dùng phân hóa học thúc đào. Như vậy đào nở nhanh nhưng hoa lại chóng tàn.
Chị Phương: Có nhà dùng phân hóa học "thúc" đào. Như vậy đào nở nhanh nhưng hoa lại chóng tàn.

 

Ngoài việc tuốt lá, người trồng đào còn một phương pháp khác để “kích đào” ra đúng dịp. Đó là tiện gốc đào. Việc tiện gốc giúp cây dồn sức vào nuôi “mắt đào”, thúc ra hoa. Anh Lâm giải thích: "Miếng khứa nông sâu tùy theo sự phát triển của cây đào. Cây to thì khứa to, cây bé thì khứa bé. Cây nào khỏe thì khứa nhiều, cây nào yếu thì khứa ít. Nhiều nhà khứa một nhát “đứng” cây, đào nở hết, khoanh 2-3 nhát thì nó nở từ từ, chia ra làm 2-3 lượt hoa nở”. Vừa làm, vừa cười anh Lâm bảo: Nói thì nói vậy, nhưng cái này mọi người làm được thì người Nhật Tân mất nghề.

Chị Phương chia sẻ thêm: Có năm, có nhà còn "thúc" phân hóa học cho hoa nhanh nở, làm vậy thì đào ra hoa nhanh lắm, nhưng làm vậy thì hoa đào cũng chóng héo, đào nở ra không bền, chóng héo.

Người Nhật Tân vẫn hay bảo nhau: Một cây đào đẹp thì phải ra hoa tự nhiên. “Không thể hãm được vì đến mùa xuân hoa đào phải nở. Mình mà hãm được thì bông hoa không ra cái gì cả. Đào chỉ nở tự nhiên thì cánh bông hoa mới to, mới đẹp được, chỉ có thể là tuốt lùi lại thì nó sẽ chậm hơn thôi”. Vừa mắt mình mới ra mắt người. Chỉ là khía cây, tuốt lá, mà mỗi hành động biết bao nâng niu, trìu mến, mà ẩn chứa biết bao nhân sinh quan thuận theo tự nhiên, trời đất.

Phạm Việt Hưng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm