Bí quyết giúp Yên Bái giữ vững thành trì "tỉnh vùng xanh" chưa có Covid-19
(Dân trí) - Kể từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, Yên Bái là một trong số ít tỉnh còn nằm trong "vùng xanh" an toàn trên bản đồ Covid-19 của cả nước.
Hiện Yên Bái chưa ghi nhận ca F0 nào ngoài cộng đồng kể từ đầu mùa dịch tới nay. Trước đó, từ hồi đầu tháng 5, tỉnh này chỉ có 5 ca F0 là chuyên gia người nước ngoài nhưng ở trong khu cách ly tập trung.
Để có được kết quả trên, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái cho biết, là do sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng, các y bác sĩ, lực lượng công an nơi tuyến đầu chống dịch và tinh thần đoàn kết, tự nguyện, tự giác của mỗi người dân trên địa bàn toàn tỉnh với tinh thần "chống dịch, như chống giặc".
"Lá chắn thép" che chở "vùng xanh"
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái cho biết, để bảo vệ "vùng xanh" an toàn, thời điểm hiện tại, việc siết chặt các biện pháp kiểm soát người và phương tiện theo chỉ đạo của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng, có tính chất tiên quyết trong việc không để dịch bệnh Covid-19 xâm nhiễm vào địa bàn, và hạn chế thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh ra cộng đồng.
Do đó, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", dù phải làm việc trong điều kiện còn nhiều khó khăn, khắc nghiệt, song các lực lượng trên tuyến đầu vẫn ứng trực 24/24h tại các chốt kiểm dịch để đảm bảo tất cả người và phương tiện đi qua chốt kiểm dịch phải được kiểm soát, kê khai y tế theo quy định.
Theo đó, ngoài 9 chốt kiểm dịch y tế liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại các cửa ngõ đi vào tỉnh, Yên Bái còn lập hơn 50 chốt tự quản ở các đường mòn, lối nhỏ đi vào tỉnh. Chính quyền giao cho các địa phương phải tự phát hiện, quản lý thật chặt người ra vào địa bàn của mình theo 2 vòng siết chặt.
Với vòng một, những người đi qua chốt kiểm soát đều phải khai báo y tế, khai báo lịch trình di chuyển (đi từ vùng có dịch hay không, cụ thể là vùng nào, vùng xanh, vùng vàng, vùng đỏ). Nếu đi từ TPHCM về địa phương thì 100% phải cách ly tập trung tại các cơ sở cách ly ở tỉnh, khi được về nhà phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Còn nếu ở TP Hà Nội về thì phải cách ly theo từng vùng, như vùng vàng thì cách ly tại nhà, vùng đỏ thì sẽ đưa đi cách ly tập trung. Tất cả đều phải xét nghiệm dịch tễ trước khi vào địa bàn tỉnh.
Vòng hai là các Tổ Covid cộng đồng tại các thôn, bản, địa phương làm nhiệm vụ kiểm soát, nắm tình hình, khi các trường hợp đi từ ngoài tỉnh vào, và các trường hợp lọt qua vòng một. Khi người lạ đi đến địa phương, người đi từ vùng dịch trở về thì tổ Covid cộng đồng phải báo cáo cho cấp ủy chính quyền được biết. Đồng thời yêu cầu những người này khai báo y tế, khai báo lịch trình. Nếu đi từ vùng dịch thì phải cách ly tại nhà, hoặc xét nghiệm SARS-CoV-2. Với các trường hợp trốn chốt kiểm dịch sẽ bị xử phạt theo các mức mà địa phương đó đề xuất.
Tính đến ngày 1/9, tại các chốt kiểm dịch y tế trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đã tiếp nhận khai báo y tế của 672.679 người, trong đó có 287.417 người đi từ tỉnh, thành phố có dịch trở về.
Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Yên Bái, những chốt kiểm dịch này chính là "lá chắn thép" hỗ trợ đắc lực cho công tác kiểm soát nguy cơ dịch bệnh và rà soát, phân loại những trường hợp cần cách ly.
Sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân
Chia sẻ "bí quyết" giúp Yên Bái giữ vững danh hiệu là "tỉnh vùng xanh" khi đợt dịch thứ 4 đang diễn biến vô cùng phức tạp, lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái cho biết, đây là sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các cấp chính quyền, các ban ngành và cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống dịch.
Lãnh đạo tỉnh Yên Bái khiêm tốn cho rằng, thực chất không có bí quyết nào cụ thể để giữ vững "tỉnh vùng xanh" lâu đến thế. Bởi để có được kết quả như hiện nay, thì tất cả cán bộ, công chức, người lao động, người dân trong tỉnh đều phải làm hết sức cho công tác phòng chống dịch bệnh.
"Dịch bệnh có thể diễn biến một cách bất ngờ, nên toàn thể chính quyền và người dân tỉnh Yên Bái sẽ không vì kết quả đã đạt được mà chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Điều quan trọng nhất lúc này đó là ý thức của người dân", vị lãnh đạo UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ.
Mới đây nhất, trong Công văn hỏa tốc số 2993 ngày 1/9 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh đã nêu rõ, để kiểm soát người và phương tiện đi và đến địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tỉnh Yên Bái yêu cầu Công an tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch. Đặc biệt các trường hợp tự ý di chuyển, vận chuyển người đi từ các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội về địa phương.
Yên Bái cũng yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh không đi ra ngoài tỉnh trong dịp nghỉ lễ 2/9. Trường hợp có việc thật cần thiết thì phải có sự đồng ý của thủ trưởng cơ quan, khi về địa phương phải xét nghiệm dịch tễ và khai báo y tế đầy đủ. Nếu cơ quan đơn vị nào có cán bộ ra ngoài tỉnh, làm lây lan dịch bệnh thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị đó sẽ phải chịu trách nhiệm trước tỉnh.
Mặc dù là "tỉnh vùng xanh", nhưng trên tinh thần trách nhiệm đảm bảo chống dịch hiệu quả, Yên Bái tiếp tục yêu cầu không tổ chức các hoạt động, lễ hội, văn hóa, các sự kiện tập trung đông người tại các khu vui chơi, giải trí, địa điểm tâm linh... trong dịp nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9.
Tăng cường tốc độ tiêm vắc xin
Cùng với siết chặt các biện pháp kiểm soát người và phương tiện, nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêm vắc xin phòng Covid-19 chính là "hàng rào" tăng cường bảo vệ sức khỏe, tạo miễn dịch cộng đồng, biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Do đó, chung tay cùng cả nước nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thời gian này, các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 1/9, tỉnh Yên Bái đã có 51.070 người tiêm vắc xin, trong đó có 43.643 người đã tiêm đủ 2 mũi. Các đối tượng được tiêm chủ yếu là những người thuộc diện ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Cụ thể là những đối tượng là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh như: cán bộ y tế, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cán bộ lực lượng vũ trang, người cung cấp dịch vụ thiết yếu...
Chị Lê Minh Hạnh - người dân phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Mặc dù không biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc, song việc được tiêm vắc xin phòng Covid-19 thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc đối với tôi. Tôi mong mọi người sẽ hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng".