Bí quyết "bắt bệnh", chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM

Hương Thảo

(Dân trí) - Từ cuối tháng 8/2021, chị Duyên tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 4. Chuyến công tác dài ngày nên để an tâm, chị ghi cặn kẽ cách chăm sóc hồng, chia sẻ kinh nghiệm lại cho ông xã.

Trong những ngày thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh tại bệnh viện, dù chỉ được ngắm vườn hồng từ xa nhưng chị Duyên cũng cảm thấy như được tiếp thêm năng lượng. Khu vườn do chị dày công chăm sóc hơn một năm qua, nay được chị "bàn giao" lại cho ông xã.

Chị Thùy Duyên (sinh năm 1993) hiện đang làm điều dưỡng tại bệnh viện Nhi Đồng TPHCM. Là một người yêu thích hoa hồng nên đầu năm 2020, chị Duyên bàn với chồng biến khoảng sân trước nhà thành vườn hồng nhỏ. "Trước đây mình trồng hồng ở sân sau nhưng vì ít nắng quá nên hồng không phát triển. Năm ngoái, mình bàn với chồng gỡ mái che sân trước, dọn dẹp để trồng hồng. Khu vực này nằm hướng đông nên có nắng sớm, rất tốt cho hoa", chị Duyên chia sẻ.

Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 1
Một góc khu vườn của chị Duyên.

Sau hơn một năm chăm sóc, chị Duyên hiện có hơn 20 giống hồng khác nhau, chủ yếu là hồng ngoại. Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên nhiều cây hồng yếu ớt, sâu bệnh, không cho hoa. Chị Duyên lên mạng tìm kiếm các hội nhóm trồng hoa hồng, tham gia để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm thực tế của mọi người. Nhờ chăm chỉ học hỏi, dần dần, chị Duyên cũng "lên tay".

Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 2
Vườn hồng ngày càng đa dạng, đẹp mắt.

Công việc tại bệnh viện rất bận, nhưng cứ tan làm, chị Duyên lại vội vã trở về nhà chăm sóc vườn hoa nhỏ. Chị phòng bệnh cho cây đều đặn mỗi tuần một lần. Khi cây bị bệnh, chị cho cây "cách ly" ngay để khỏi lây nhiễm cho cả vườn.

Chị Duyên cho biết, hồng chủ yếu mắc bệnh trĩ và nấm. Nếu hồng bị trĩ tấn công, chị trị bệnh bằng neem oil pha nước rửa chén theo tỉ lệ 1:1. Nếu hồng bị nấm, chị Duyên dùng dung dịch nano bạc, đồng để phun lá. Chị thường phun dung dịch vào chiều mát và phun nước rửa lá vào sáng hôm sau.

"Bón phân cũng cần đúng thời điểm chứ không phải bón nhiều là tốt đâu. Khi vừa cắt tỉa, mình bón phân chuồng, khi cây bật mầm mình bón phân cho lá, và khi cây đóng chồi thì bón NPK", chị Duyên chia sẻ kinh nghiệm riêng.

Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 3
Mùa nắng, chị Duyên tưới cây 2 lần/ngày.
Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 4
Khu vườn chủ yếu là các giống hồng ngoại cho bông to, màu sắc đa dạng và có mùi thơm.
Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 5
Chị Duyên cũng làm những tiểu cảnh nhỏ để khu vườn thêm sinh động.
Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 6
Hiện khu vườn có hơn 20 giống hoa khác nhau.
Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 7
Khu vườn trở thành nơi vui chơi yêu thích của các con chị Duyên.
Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 8
Buổi tối, khu vườn trở thành không gian hẹn hò lãng mạn của hai vợ chồng.

Từ cuối tháng 8/2021, chị Duyên được phân công tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến số 4. Chuyến công tác dài ngày nên để an tâm, chị ghi cặn kẽ cách chăm sóc hồng, chia sẻ kinh nghiệm lại cho ông xã. Khi có thời gian rảnh, chị gọi video call về gặp gia đình và "thăm" khu vườn từ xa. Nếu phát hiện cây bị bệnh, chị sẽ dặn dò ông xã cách xử lý kịp thời.

"Nhiều tháng nay, mình bận công tác nên không còn nhiều thời gian chăm sóc khu vườn. Thật may là mình có sự hỗ trợ của ông xã. Sau ca trực, được nhìn ngắm khu vườn từ xa là mệt mỏi tan biến hết. Những đợt công tác kéo dài nửa tháng, một tháng mới trở về nhà, nhìn vườn hồng khỏe, đẹp là mừng lắm", nữ điều dưỡng chia sẻ.

Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 9
Chị Duyên dành nhiều tình yêu và tâm huyết cho khu vườn hồng nhỏ của gia đình.
Bí quyết bắt bệnh, chăm hồng của nữ điều dưỡng tại TPHCM - 10
Thời gian này, ông xã là người giúp chị Duyên chăm sóc cho khu vườn nhỏ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm