1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bí mật về 80 giếng cổ khung gỗ lim ở Hội An

Vừa qua, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An đã thu thập thông tin về trên 80 chiếc giếng cổ trên địa bàn. Đây là những chiếc giếng có từ thời xưa để lại, gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân phố Hội.

Bí mật về 80 giếng cổ khung gỗ lim ở Hội An  - 1

Chỉ còn số ít người dân phố Hội “chung thủy” với nước giếng cổ.

 

Giếng tròn và giếng vuông

 

Bên cạnh một số loại hình di tích đã được “điểm mặt” như đình, chùa, lăng, miếu, mộ, nhà ở... giếng cổ là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa vật thể ở Hội An, góp phần tạo nên những nét riêng cho văn hoá phố Hội, gắn bó mật thiết hàng ngày với đời sống của người dân ở đây từ ngàn xưa.

 

Tuy nhiên, trong những năm qua, những chiếc giếng cổ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Rất nhiều người dân ở đây đã chuyển sang dùng nước máy nên không ít giếng bị san lấp, bỏ hoang phế.

 

Hầu hết các giếng cổ ở Hội An phân bố tập trung ở khu vực dọc bờ bắc sông Đế Võng (thuộc thôn 5, 6 xã Cẩm Thanh, khối 4, phường Thanh Hà) trong khu phố cổ, số còn lại nằm rải rác ở nhiều nơi. Vị trí các giếng này thông thường nằm cách sông chừng 50 - 150m, đặc biệt nhiều giếng chỉ cách sông 6 - 10m.

 

Giếng cổ ở Hội An có 3 kiểu dáng cơ bản: hình tròn (chiếm đa số, khoảng 63%), hình vuông (17%), trên tròn dưới vuông (15%), số ít còn lại là cách hình dáng khác.

 

Chất liệu để làm nên những chiếc giếng này là gạch, đá được bố trí sắp xếp khác nhau tùy theo từng kiểu giếng và thường thì có khung gỗ bằng lim ở dưới cùng.

 

Những chiếc giếng cổ này nằm trong khuôn viên của các di tích tín ngưỡng như: hội quán, nhà thờ tộc, đình, miếu của người Hoa Minh Hương, người Hoa Ngũ Bang.

 

Nguồn gốc của những chiếc giếng bọc gỗ lim

 

Những chiếc giếng cổ ở Hội An có niên đại xây dựng không đồng nhất, có thể hình thành ở nhiều thời điểm khác nhau của nhiều thế kỷ.

 

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, kiểu giếng vuông và trên tròn dưới vuông là giếng Chăm, được xây dựng từ trước thế kỷ XV, khi người Việt đến cứ trú đã kế thừa nhằm phục vụ nhu cầu của mình. Số khác thì người Hoa và người Việt “học hỏi kỹ thuật” của người Chăm mà xây nên.

 

Tuy có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng tất cả các giếng đều có chung đặc điểm trong xây dựng đó là có khung gỗ vuông (bằng lim) ở dưới gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng đảm bảo tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún.

 

Thành giếng là những viên gạch được xếp chồng lên nhau, không có vữa kết dính tạo ra những khe hở cho nước trong lòng đất chảy vào giếng để duy trì mực nước của giếng luôn cao. Điều đặc biệt, trên các giếng này đều có các bàn thờ “thần giếng”.

 

Theo anh Võ Hồng Việt, cán bộ của Trung tâm Bảo tồn Di tích Hội An, người được phân công nghiên cứu giếng cổ, đây là một yếu tố tâm linh của cư dân Hội An cổ. Họ quan niệm rằng mỗi chiếc giếng có một vị thần bảo hộ.

 

Nước giếng cổ trong mát là “đặc sản Hội An”

 

Tuy nằm rất gần sông nước mặn nhưng nước ở các giếng cổ này rất trong xanh, mát ngọt tự nhiên không gì sánh nổi. Mực nước luôn cao và ổn định kể cả trong những ngày nắng hạn.

 

Anh Trần Trung Mẹo (39 tuổi), một người dân làm nghề chở nước giếng thuê cả chục năm nay cho biết: “Các du khách nước ngoài rất khôn và kỹ tính, đến Hội An, họ chỉ sử dụng nước giếng này thôi, nếu khách sạn nhà hàng nào sử dụng nước máy có chất khử, họ sẽ nhận ra và bỏ đi ngay!”.

 

Một số cụ cao niên ở đây cho biết thêm, thời chiến tranh những anh lính Tây khi đặt chân đến đây cũng chỉ sử dụng nước các giếng này thôi. Phải chăng giếng cổ đã nổi danh với các du khách nước ngoài từ đó.

 

Một chi tiết thú vị là tất cả những món đặc sản của phố Hội như Cao Lầu, mì Quảng... đều chỉ sử dụng nước ở giếng cổ. Chính vì vậy, ở Hội An tồn tại 1 nghề từ xưa đến nay là nghề chở nước thuê. Có những gia đình con nối nghiệp cha truyền nghề 3, 4 đời.

 

Rõ ràng, tầm quan trọng của những chiếc giếng cổ này đối với người dân Hội An và văn hóa của phố cổ là không thể bàn cãi và không gì thay thế được. Cư dân phố Hội ngày xưa làm nên những chiếc giếng cổ này để sử dụng, lại hình thành nên nghi thức thờ “thần giếng”. Vì sao tới bây giờ những “báu vật” này mới được Hội An “để mắt” tới?

 

Dù sao, muộn cũng còn hơn không.

 

Theo TT&VH/Vietnam+