Bi kịch đau lòng sau một vụ tai nạn giao thông
(Dân trí) - Vụ tai nạn xảy đến cho đôi uyên ương trẻ trước ngày cưới một tháng không chỉ khiến đám cưới phải hoãn lại vô thời hạn mà còn đẩy cặp tình nhân vào những tháng ngày oan nghiệt, đớn đau trong bệnh viện và 1 tương lai mịt mờ phía trước.
Vụ tai nạn thương tâm
Ngày 18/2/2007, anh Nguyễn Thanh Long, bộ đội xuất ngũ, sinh năm 1980, trú xã Tam Đại, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, đi xe máy chở vợ sắp cưới là Trương Thị Kim Tài (sinh năm 1984, trú xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) về thăm nhà thì gặp tai nạn giao thông.
Gây tai nạn cho anh Long là một học sinh lớp 12, Phạm Xuân Tiến (sinh năm 1989, ở huyện Tiên Phước). Theo kết luận điều tra của Công an huyện Tiên Phước, Phạm Xuân Tiến chưa có giấy phép lái xe nhưng đã điều khiển xe máy chạy sang phần đường ngược chiều và tông vào xe anh Nguyễn Thanh Long.
Tai nạn đã khiến đám cưới giữa anh Long và chị Tài, dự định tổ chức vào tháng tới, bị hủy bỏ; hơn thế còn đẩy cặp tình nhân vào những tháng ngày oan nghiệt khi cả hai người phải sống dở chết dở trong các bệnh viện ở Quảng Nam và Đà Nẵng.
Trải qua 5 lần phẫu thuật, anh Long buộc phải sống với hộp sọ nhân tạo trong đầu. Gần một năm rưỡi kể từ ngày tai ương giáng xuống, đến giờ Long vẫn như người mất hồn, lúc tỉnh, lúc mê. Xuất viện được gần 3 tháng nay nhưng Long vẫn được gia đình xin tá túc nhà người quen ở gần Bệnh viện C Đà Nẵng, để “có chi thì đưa đến bệnh viện kịp thời theo như lời bác sĩ dặn dò”, bà Đặng Thị Giá, mẹ Long nói.
Đôi trẻ hạnh phúc trong ngày ăn hỏi.
Còn “cô dâu” Trương Thị Kim Tài sau gần cả năm điều trị bây giờ được đưa về nhà trong trạng thái “cười cười, nói nói” bất an. “Cách đây mấy tháng khi chở Long về thăm nhà, người nhà cũng lên Tiên Phước chở Tài xuống chơi. Nhìn thấy hai đứa chơi với nhau như hai đứa trẻ con mà mọi người không cầm nổi nước mắt”, bà Giá đỏ hoe mắt kể.
Nợ chất chồng, gia cảnh kiệt quệ
Long là con đầu trong một gia đình có 6 anh em. Sau khi xuất ngũ trở về cách đây 3 năm, Long vào Sài Gòn làm nghề đá hoa cương với quyết tâm giúp cha mẹ nuôi các em ăn học, đồng thời kiếm thêm tiền cưới vợ. Nhưng tương lai đã không diễn ra như dự định…
Thu nhập của một gia đình 8 miệng ăn chủ yếu dựa trên 3,5 sào ruộng, lại nuôi thêm mẹ già nên bình thường đã thiếu trước hụt sau. Khi đứa con trai đầu bị tai nạn, hoàn cảnh kinh tế của nhà Long càng thêm túng quẫn.
Chìa cho chúng tôi xem một chồng giấy vay mượn nợ, nhà nước có, tư nhân có, tiền mặt có, vàng cũng có, ông Nguyễn Thanh Nhàn - cha Long - cho biết tổng số nợ của gia đình hiện đã lên đến 108 triệu đồng. Giấy nào cũng có xác nhận của UBND xã, kể cả giấy vay nợ tư nhân, “Tôi lấy nhà cửa, đất đai ra cam kết trả nợ, nhưng phải có xã xác nhận, người ta mới cho tôi vay”, ông Nhàn giải thích.
“Mượn của người ta hơn một năm rồi mà mình chưa trả được đồng mô, thấy xấu hổ thiệt nhưng biết làm răng bây chừ”, bà Giá nói. Ông Nhàn tiếp lời vợ: “Vay nóng của người ta, tiền lãi mỗi tháng với vàng là 40.000 đồng/chỉ, tiền mặt 50.000 đồng/triệu. Tính đến bữa ni cũng nhiều lắm nhưng trong nhà đâu còn cái chi để bán. Lâu ni chuồng heo bỏ trống”.
Khi đứa con trai bị tai nạn, ông Nhàn có ý định cho hai đứa con lớn là Nguyễn Thị Tới (lớp 11) và Nguyễn Thanh Thời (lớp 9) nghỉ học. Nhưng vì nhiều người khuyên nhủ, lại thấy hai con cũng thiết tha với việc học nên gia đình vẫn cố. Tới đã từng nài nỉ cha mẹ: “Con xin ba mẹ ráng cho con học hết lớp 11 rồi nghỉ”. Tuy nhiên, với tình cảnh gia đình nợ nần chồng chất như hiện nay, ông Nhàn bà Giá không biết lấy tiền đâu để cho hai con đi học tiếp.
Cô độc giữa tòa
Suốt một năm trời chờ đợi kể từ ngày bị tai nạn, ngày 25/3/2008, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Nam mở phiên toà xét xử sơ thẩm vụ tai nạn giao thông nói trên. Nhiều người dự phiên tòa hôm ấy đã đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Trong khi anh Long sau hơn 1 năm điều trị vẫn còn nửa tỉnh nửa mê đến dự phiên tòa, thì giám định thương tật lại chỉ cho kết quả 47%; bị cáo Phạm Xuân Tiến cũng bị cấp cứu, điều trị một thời gian nhưng đã khoẻ và đi học bình thường (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, huyện Tiên Phước) lại có tỷ lệ giám định thương tích 60%. Nhờ thế mà tại tòa, Tiến khăng khăng bảo mình không có tội còn Long ù ù cạc cạc chẳng nói được gì.
Nhưng điều khiến những người có mặt đau xót nhất là trong khi bị cáo Tiến (có cha làm thẩm phán Toà án huyện Tiên Phước) có đến hai luật sư bào chữa cho mình thì Long mở miệng nói không ra lại không có luật sư nào bào chữa.
Ông Nhàn cho biết trước khi phiên toà diễn ra, ông có đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước Quảng Nam gửi đơn xin được hỗ trợ luật sư bào chữa. Vì ông Nhàn thuộc diện hộ nghèo, được hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý của nhà nước, nên trung tâm này đã ra quyết định cử luật sư Bùi Bá Dũng tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Long. Tuy nhiên, đến tận gần ngày toà xử thì luật sư Dũng có đơn từ chối tham gia tố tụng với lý do “vì điều kiện công việc”. Vậy là cha con anh Long phải đơn độc ra toà.
Chủ tọa phiên toà hôm ấy đã chấp thuận đề nghị của Viện Kiểm sát là hoãn phiên toà vì lý do người bị hại không tự bảo vệ được mình, đồng thời cũng yêu cầu phải giám định lại thương tích hai bên.
Ngày 21/7, trao đổi với PV Dân trí, bà Nhàn cho biết: Cách đây mấy hôm có đến Viện Kiểm sát tỉnh Quảng Nam hỏi kết quả giám định lại của con trai theo đề nghị tại phiên tòa sơ thẩm và được một cán bộ ở đây cho biết, thương tật của Long là 81%. Trương Thị Kim Tài lần trước giám định chỉ 39% thì nay lên thành 49% (!).
Tường Vy