1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Khánh Hòa:

Bị “kẹp” giữa 2 mỏ đá, dân kêu trời vì khói bụi, nứt nhà

(Dân trí) - Sống gần 2 mỏ khai thác đá, người dân xã Cam Phước Đông (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết nhiều năm qua cuộc sống sinh hoạt của họ bị đảo lộn không chỉ do bụi bặm từ mỏ đá phát tán mà nhà cửa còn bị nứt nẻ...

Bị “kẹp” giữa 2 mỏ đá, dân tố bị khói bụi bủa vây, nứt nhà

"Bụi ghê lắm! Bụi không chịu nổi…!"

Theo người dân xã Cam Phước Đông (TP Cam Ranh, Khánh Hòa), từ nhiều năm nay, trên địa bàn có 2 mỏ đá hoạt động rất rầm rộ, gây ra khói bụi cho hàng chục hộ dân sinh sống gần đó. Đó là 2 mỏ đá Hóa An (thôn Tân Hiệp) và mỏ đá Hố Hành (thôn Giải Phóng).

Trên đoạn đường dẫn vào mỏ đá Hóa An dù khá hẹp, cùng ổ gà nham nhở nhưng xe ben chở đá lại chạy bạt mạng, tạo ra từng cột khói cuồn cuộn trên đường khiến ai cũng phải né tránh, bịt mũi. Làng mạc, dân cư ở đây xao xác vì nhà nào cũng đóng cửa im lìm để tránh bụi.

Bà Nguyễn Thị Liễu (60 tuổi), nhà ở gần mỏ đá Hóa An, bức xúc cho biết, trước khi mỏ đá hoạt động, vườn xoài, đào 5 mẫu của gia đình bà mỗi thăm cho thu hoạch hàng chục triệu đồng. Thế nhưng kể từ khi mỏ đá gây ra khói bụi, vườn cây bị “tịt ngòi”, không cho trái. Bức xúc, gia đình làm đơn khiếu nại và được bồi thường mỗi năm 15 triệu đồng.

Hàng chục nhà dân sống khổ vì ở dưới chân mỏ đá Hóa An (xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh)
Hàng chục nhà dân sống khổ vì ở dưới chân mỏ đá Hóa An (xã Cam Phước Đông, TP Cam Ranh)

Tuy nhiên, bà Liễu cho rằng, số tiền bồi thường chẳng là gì so với những gì mà mỏ đá gây ra cho gia đình bà. Bà Liễu kể, những hôm gió to, những trận “bão bụi” từ mỏ đá quét qua khiến màu xanh của vườn cây thành một màu trắng, nhà cửa chìm trong khói bụi.

“Bụi ghê lắm! Bụi không chịu nổi! Bàn thờ phải lau hoài nhưng lấy tay quẹt một cái là đầy bụi”, bà nói.

Cách mỏ đá Hóa An không xa là mỏ đá Hố Hành (thôn Giải Phóng). Hàng chục hộ dân ở gần mỏ đá này cũng đang “oằn mình” ngửi bụi mỗi ngày do hoạt động vận chuyển đá của xe ben, xe tải.

Chị Tro Thị Cúc (32 tuổi), nhà ở gần mỏ đá này, cho biết, do sinh sống gần mỏ đá, khổ vì bụi nhưng kêu chẳng ai nghe. “Gió lùa bụi xuống mà mình không kịp đóng cửa là bụi xộc thẳng vô nhà. Người ta có xịt nước trên đường để giảm bụi nhưng không xuể”, chị Cúc phản ánh.

Bà Nguyễn Thị Liễu cho biết, mỏ đá không chỉ gây bụi, mà con làm hư vườn cây ăn trái của gia đình bà
Bà Nguyễn Thị Liễu cho biết, mỏ đá không chỉ gây bụi, mà con làm hư vườn cây ăn trái của gia đình bà

Tính mạng học sinh bị xe ben rình rập mỗi ngày

Bà Võ Thị Mấy (65 tuổi, thôn Tân Hiệp), nhà cách mỏ đá Hóa An chỉ vài chục mét, cho biết, kể từ ngày mỏ đá hoạt động đã khiến cuộc sống gia đình bà bị đảo lộn, ngột ngạt vì khói bụi. Bà Mấy chỉ vào nhiều đường nứt nẻ trên tường nhà và tố rằng do khai thác đá gây ra.

Điều đáng nói, cách mỏ đá Hóa An chừng 500m là điểm trường tiểu học tại thôn Tân Hiệp. Điểm trường có 4 lớp, với khoảng 60 học sinh, đa phần là người đồng bào Raglai. Theo các giáo viên, do các em phải tự đi học nên tính mạng luôn bị xe chở đá rình rập mỗi ngày.

Người dân thôn Tân Hiệp tố việc khai thác đá đã gây ra cảnh nứt nhà, cuộc sống bị đảo lộn
Người dân thôn Tân Hiệp "tố" việc khai thác đá đã gây ra cảnh nứt nhà, cuộc sống bị đảo lộn

“Bụi chỉ là một phần, chúng tôi thấy các xe ben chạy rất nhanh, mất an toàn, gây nguy hiểm cho học sinh. Thời điểm 11h và 13h30 hàng ngày, là lúc các xe chở đá chạy nhiều nhất”, một giáo viên nói.

Theo ông Trần Trung Chính, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hiệp, không ít lần ông đã kiến nghị xã tiến hành rà soát các hộ dân có nhà bị nứt do khai thác đá nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì. Theo ông Chính, trước bức xúc của người dân, chủ mỏ đá cũng đã tưới nước trên đường nhưng không thường xuyên nên khói bụi vẫn “tấn công” nhà dân khi xe ben chạy qua.

Theo UBND xã Cam Phước Đông, mỏ đá Hố Hành được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường, với diện tích 25 ha, công suất 200.000 m3/năm (thời hạn 30 năm kể từ năm 2013); còn mỏ đá Hóa An được UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép khai thác với diện tích 25,6 ha, công suất 490.000 m3/năm (thời hạn 30 năm kể từ năm 2011).

Học sinh ở điểm trường thôn Tân Hiệp đi học luôn bị xe ben, xe tải chở đá rình rập mỗi ngày
Học sinh ở điểm trường thôn Tân Hiệp đi học luôn bị xe ben, xe tải chở đá rình rập mỗi ngày

Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 13/4, ông Cao Văn Hùng, Chủ tịch xã Cam Phước Đông (TP Cam Ranh), thừa nhận, tình trạng khai thác đá trên địa bàn đã gây ra bụi cho bà con. Ông Hùng khẳng định trước mắt sẽ đề nghị các chủ mỏ đá tăng cường tưới, phun nước ở trên đường vận chuyển đá qua địa bàn khu dân cư, cũng như tưới nước ở mỏ đá để giảm bụi.

Ông Hùng từ chối trả lời thêm và “đẩy” qua cho ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch xã, với lý do đã giao cho ông Hải phụ trách lĩnh vực khai thác khoáng sản. Thế nhưng, khi chúng tôi liên hệ qua điện thoại với ông Hải thì ông này cho rằng đang đi học và từ chối trả lời (?).

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm