1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bí hướng xây dựng mã số định danh công dân

(Dân trí) - “Mã số định danh có bảo đảm quyền bí mật đời tư?”, “Để thực hiện được việc cấp mã số đồng bộ cho 87 triệu dân phải mất 5 - 10 năm”… Đây là những băn khoăn được đặt ra trong phiên thảo luật về dự luật Hộ tịch tại UB Thường vụ Quốc hội ngày 13/9.

Tờ trình về dự án luật do Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày nêu rõ, đăng ký và quản lý hộ tịch là nhiệm vụ quan trọng của mỗi quốc gia, thông qua đó giúp Nhà nước quản lý dân cư, tạo cơ sở để xây dựng, hoạch định và phát triển chính sách kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để công nhận và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Các sự kiện hộ tịch cơ bản của mỗi con người từ khi sinh ra đến khi chết đều phải được đăng ký, bao gồm khai sinh, kết hôn, ly hôn, khai tử, nuôi con nuôi, giám hộ, thay đổi, cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác định lại giới tính... Vậy nên mỗi người có rất nhiều loại sổ đăng ký khác nhau như Sổ đăng ký khai sinh, Sổ đăng ký kết hôn, Sổ đăng ký tử, Sổ đăng ký nuôi con nuôi...

Và thực tế, các sự kiện hộ tịch của một người có thể được đăng ký ở nhiều địa phương, nhiều cấp khác nhau, thậm chí ở nước ngoài, nên dẫn đến tình trạng các dữ liệu hộ tịch của cá nhân bị phân tán, không xâu chuỗi, kết nối được với nhau, cơ quan đăng ký hộ tịch không quản lý được dữ liệu hộ tịch cá nhân, Nhà nước cũng không nắm được sự di, biến động về hộ tịch. Điều đó đã làm hạn chế khả năng kiểm tra thông tin về hộ tịch của cá nhân, việc tra cứu, khai thác thông tin hộ tịch để phục vụ yêu cầu của người dân và cơ quan, tổ chức trong nhiều trường hợp không đáp ứng được... 

Ý tưởng loại bỏ các giấy tờ gắn liền với nhân thân của mỗi người và việc cấp một mã số định danh cho mỗi người được cơ quan soạn thảo luật đề xuất. Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là Sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch - nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBND cấp xã, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý). Ngoài ra để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự Luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn,…) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý Sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.

Công dân được giữ một Sổ hộ tịch cá nhân, được cấp khi đăng ký khai sinh theo quy định của dự luật này, có nội dung trùng khớp với Sổ hộ tịch. Khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình người dân chỉ cần xuất trình Sổ hộ tịch cá nhân.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định, việc đổi mới 2 loại sổ hộ tịch như trên và cải tiến phương thức đăng ký hộ tịch sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng tản mát dữ liệu hộ tịch, là tiền đề hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, công dân có yêu cầu khai thác sử dụng.

Cơ quan thẩm tra dự án luật - UB Pháp luật tán thành quan điểm cấp mã số định danh công dân với lập luận, trong điều kiện khoa học công nghệ phát triển như hiện nay, việc này sẽ giúp truy nguyên danh tính công dân nhanh chóng, chính xác. Kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã thực hiện việc cấp mã số cho công dân để quản lý cho thấy rất có hiệu quả.

Tuy nhiên, UB Pháp luật cũng đặt vấn đề, mã số định danh có bảo đảm được quyền bí mật đời tư không…? Ngoài ra, nếu việc cấp mã số chỉ áp dụng với những người sinh ra kể từ ngày luật này có hiệu lực thi hành, 87 triệu dân Việt Nam hiện tại vẫn dùng phương thức quản lý cũ, không phát huy tác dụng.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị xây dựng đề án khả thi, trình Quốc hội vào một dịp thích hợp. Để thực hiện được việc cấp mã số định danh, sổ hộ tịch đồng bộ cho toàn bộ dân số, nhiều ý kiến cho rằng, phải xác định 5 - 10 năm sau mới hoàn thành.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành quan điểm này, yêu cầu cơ quan soạn thảo phải hình dung nếu lập Sổ hộ tịch cá nhân thì sổ này sẽ thay thế được bao nhiêu loại giấy tờ (khai sinh, kết hôn, chứng tử...).

Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi thì lo ngại việc hạ tầng công nghệ thông tin của Việt Nam hiện nay chưa thể đảm bảo cho việc tích hợp và ứng dụng từ các thông tin hộ tịch của cá nhân.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm