1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

Bi hài những vụ án vùng cao

Nhận được tin báo về vụ giết người bí hiểm ở Bản Mù, Công an tỉnh Yên Bái cử ngay cán bộ về tận hiện trường, điều tra vụ án. Nạn nhân là phụ nữ, tên Dê, tuổi chạc ngũ tuần, bị bắn bằng súng tự chế ngay trên đường đi làm rẫy.

Nơi nào mà chiếc xe ôtô nổ máy “rìn rìn” còn khiến bọn trẻ con cười khúc khích, lũ lượt kéo nhau chạy theo xem; nơi nào mà cái chữ oằn lưng vượt núi vượt đèo nặng nhọc đến gõ cửa từng nhà, “đuổi bắt” từng người; nơi ấy là vùng cao. Tại đó, hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế. Bởi thế, đến vùng cao, sẽ thấy những câu chuyện mà chẳng thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Những câu chuyện khiến mọi người cười ra nước mắt...

 

Quả trứng vô tri và vụ trả thù hi hữu

 

Thượng tá Nguyễn Kim Thành, Trưởng phòng An ninh văn hoá, Công an tỉnh Yên Bái, có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên vụ trọng án xảy ra tại xã Bản Mù (huyện Trạm Tấu) mà anh và đồng đội đã dầy công khám phá.

 

Vụ án với nạn nhân là một phụ nữ tên Dê, xảy ra năm 2001. Khi anh Thành và đồng đội tới hiện trường, mọi dấu vết đã được xoá sạch. Trong những ngày lưu lại bản để thu thập tài liệu, anh đã phát hiện một thông tin quan trọng: Trước đây bà Dê vốn là một thầy mo được dân làng tín nhiệm. Trong xã, hễ nhà nào có việc hệ trọng gì thì đều mời bà về “cúng ma, cúng giàng”.

 

Xét thấy “nghiệp mo then” của nạn nhân là khả thi nhất, anh cùng đồng đội quyết định lần theo. Và anh nhận được tin báo: trước hôm bà Dê bị bắn chết, bà có đến “cúng ma” cho một gia đình người Mông ở trong xã. Gia đình ấy có cậu con trai duy nhất bị ốm, đã nhờ cậy nhiều mo trong bản rồi mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm.

 

Bà Dê là người cuối cùng được gia đình mời đến. Sau đó vài hôm, cậu bé bỗng lăn ra chết. Xót thương con, gia đình cậu bé mất ăn mất ngủ và vô cùng căm phẫn kẻ đã “thả ma” hại con mình.

 

Sau đó, chẳng biết nghe ai xúi bậy, bố của cậu bé về nhà giận dữ nói với mọi người rằng chính mo Dê đã thả “ma” để hại con mình. Mọi người nghe thấy... có lý bởi trong xã này, chỉ “con ma” của nhà mo Dê mới khiến các thầy mo khác bó tay, không xua đuổi được.

 

Trước khi ra tay trả thù, ông bố làm lễ cúng, nhờ “giàng” xem nhận định của mình có chính xác hay không. Vật “thử ma” là một quả trứng gà, được đặt ngang lên trôn bát. Nếu sau khi cúng mà quả trứng vẫn nằm im, không dựng ngược lên theo chiều thẳng đứng thì đích thị mo Dê là kẻ đã thả “ma” làm điều ác.

 

Sau cả ba lần xì xụp cúng lễ, quả trứng vẫn nằm im thin thít. Sau buổi lễ đó, bà Dê bị giết.

 

Thượng tá Nguyễn Kim Thành kể, từ những chứng cứ không thể nào chối cãi, người cha đáng thương ấy đã bị bắt. Nhưng tại cơ quan công an, người đàn ông ấy vẫn khăng khăng khẳng định mình giết bà Dê là đúng.

 

Những vụ kiện kiểu... vùng cao

 

Thượng sĩ Giàng A Sênh, một chiến sĩ công an người Mông, từng được giao thụ lý nhiều án thuộc loại xưa nay hiếm. Anh kể, cũng tại Bản Mù, cuối năm 2004, một nhóm dân trong bản Tà Ghênh đi làm nương rẫy, không may gặp tai nạn khiến một phụ nữ tử vong. Đó là chị Giàng Thị Mùa, cũng ở bản Tà Ghênh.

 

Chị Mùa đốt nương nhà mình, gió to khiến đám lửa cháy lan sang cả nương phía trên. Đám cháy đã làm hòn đá tảng ở nương trên lăn xuống, va vào người chị Mùa khiến chị chết ngay tại chỗ. Theo “lý” của người Mông, cái chết vô tình bắt nguồn từ đâu thì chỗ đó (hoặc chủ chỗ đó) phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bồi thường.

 

Vậy là ngay chiều hôm đó, gia đình chị Mùa đã đến nhà có nương rẫy chứa tảng đá gây họa để phạt vạ. Lẽ thường, người Mông vẫn đền những trường hợp như thế. Nhưng lần đó gia đình chị Mùa đưa ra “cái giá” quá cao khiến bên kia tức giận, nhất định không đền nữa.

 

Thế là gia đình chị Mùa gửi đơn tới các cơ quan chức năng trong huyện. Thượng sĩ Giàng A Sênh kể, phải mất cả tháng trời, lên bản gặp từng người trong gia đình chị Mùa, hết lời khuyên giải thì họ mới chịu thôi.

 

Hay như vụ xảy ra đầu năm nay, ông Cứ Sông Trang ở bản Giàng La Pán đâm đơn kiện ông Giàng Sông Tếnh cùng bản, bởi con trâu nhà ông Tếnh đã “cố ý” đuổi húc con trâu nhà ông Trang ngã xuống vực, què mất chân sau.

 

Theo “lý” của người Mông, bất cứ vật nuôi nào của nhà mình bị vật nuôi của người khác đánh trọng thương, không tiếp tục nuôi, làm việc được nữa thì bên “gây án” phải đền một nửa trị giá con vật. Nhưng vì ông Trang phát giá con trâu nhà mình tới 6 triệu đồng, tức là ông Tếnh phải đền 3 triệu, ông Tếnh thấy cao quá nên nhất định không đền nữa.

 

Phải mất rất nhiều lời lẽ khuyên giải, “nỉ non”, anh Sênh mới làm cho ông Trang đổi ý, “hạ giá” con trâu nhà mình xuống, để lấy tiền đền của ông Tếnh.

 

Theo Thanh Đào

Gia đình & Xã hội